Thúc đẩy cổ phần hóa, từ xử lý hành chính tới yêu cầu từ chức

(ĐTCK) Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về việc lãnh đạo DN nên từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ CPH sẽ có tác dụng thúc đẩy CPH mạnh mẽ trong thời gian tới.
7 tháng đầu năm, cả nước mới CPH được 55 DN 7 tháng đầu năm, cả nước mới CPH được 55 DN

Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc xử lý trách nhiệm lãnh đạo DNNN không hoàn thành nhiệm vụ triển khai cổ phần hóa (CPH), đe dọa đến hoàn thành kế hoạch CPH 432 DN giai đoạn 2014 - 2015.

Tăng sức ép lên lãnh đạo DN

Với việc 7 tháng đầu năm nay cả nước mới CPH được 55 DN, Chính phủ đánh giá tiến độ CPH DNNN chưa đạt yêu cầu. Rõ ràng, với kế hoạch phải CPH xong 432 DN trong năm 2014 - 2015, lẽ ra 7 tháng đầu năm nay, lượng DN được CPH phải gấp đôi số đã thực hiện thì mới đảm bảo kế hoạch được thực hiện thành công.

Trong bối cảnh đó, những thông điệp mạnh mẽ liên tục được lãnh đạo Chính phủ phát đi từ đầu năm đến nay cho thấy, Chính phủ khó chấp nhận việc không hoàn thành kế hoạch CPH đã đề ra. Nói cách khác, không có đường lùi cho kế hoạch.

Khi đề ra kế hoạch CPH 432 DN hồi đầu năm nay, giới chuyên gia nhìn nhận Chính phủ đã tự đặt ra cho mình thách thức lớn, nhưng cũng đồng thời thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ trong nỗ lực “làm nóng” lại chương trình CPH sau một thời gian khá dài trầm lắng. Đây là một trong những điểm nhấn trong nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, một trong ba trụ cột của tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, góp phần dần đưa nền kinh tế dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng.

Lường định được tính chất khó khăn của kế hoạch CPH 432 DN chỉ trong thời gian không dài, nên ngay tại sự kiện được ví như “bấm nút” triển khai kế hoạch này là Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN diễn ra đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều thông điệp mạnh mẽ như là chỉ báo cho sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó đáng chú ý là thông điệp, nếu lãnh đạo DNNN nào không thông tư tưởng thúc đẩy CPH, còn chần chừ triển khai việc này, đề nghị các Bộ trưởng mời làm việc khác…

Tiếp nối thông điệp nhất quán, mạnh mẽ của Chính phủ về xử lý trách nhiệm lãnh đạo DNNN để xảy ra CPH chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch lớn của Chính phủ, trong tháng 7 vừa qua, sau khi yêu cầu Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Y tế... cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện CPH, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các đơn vị này có hình thức xử lý hành chính đối với lãnh đạo DN không thực hiện nghiêm túc, hoặc thực hiện không có kết quả việc tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN.

Những thông điệp mạnh mẽ trên đã tạo chuyển biến đáng kể trong tổ chức triển khai CPH sau 7 tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, mức độ chuyển biến như vậy là chưa đủ khi đặt trong bối cảnh số lượng DN còn lại phải CPH xong chỉ trong hơn một năm nữa còn quá lớn.

Chính bởi thực tế trên mà khi chủ trì Hội nghị giao ban tái cơ cấu DNNN 7 tháng đầu năm 2014 của Chính phủ vừa diễn ra, khi phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: quan trọng nhất là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt, nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì hãy... từ chức.

Sẽ tạo chuyển biến mạnh

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho rằng, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về việc lãnh đạo DN nên từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ CPH sẽ có tác dụng thúc đẩy CPH mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là tại 84 DN mà như cập nhật của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến hết tháng 7, vẫn chưa thành lập ban chỉ đạo CPH.

Rất có thể tiếp sau các thông điệp: “mời làm việc khác”, “xử lý hành chính” và mới đây nhất là “từ chức”, nếu tiến độ CPH vẫn tái diễn tình trạng chậm trễ như 7 tháng qua, lãnh đạo Chính phủ sẽ còn có những chỉ đạo, chế tài mạnh tay, quyết liệt hơn nhằm đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch CPH 432 DN.   

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục