Thúc đẩy cạnh tranh nội ngành để cải thiện hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Loại bỏ sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước là áp lực có thể lường trước, song áp lực khó lường là cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ trong nước và quốc tế khi môi trường kinh doanh được cải thiện. Khi đó, cạnh tranh nội ngành - phương tiện thu lợi nhuận siêu ngạch trở thành công cụ đào thải nghiệt ngã và thách thức chiến lược đối với năng lực tự phát triển doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình cổ phần hóa.
Viettel đã đầu tư phát triển dịch vụ đến 10 quốc gia và có thứ hạng cạnh tranh 49 thế giới, thứ 2 ở châu Á. Viettel đã đầu tư phát triển dịch vụ đến 10 quốc gia và có thứ hạng cạnh tranh 49 thế giới, thứ 2 ở châu Á.

Nghị quyết 19 gia tốc sự khốc liệt của cạnh tranh nội ngành

Nghị quyết 19 hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh thể hiện quyết tâm chính trị rất cao và quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh để đạt đến độ bình đẳng thực sự giữa các thành phần kinh tế và tuân thủ nghiêm túc cam kết quốc tế. Sự hỗ trợ trực tiếp đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn, mà nếu có sự hỗ trợ thì phải áp dụng giống nhau đối với tất cả các loại doanh nghiệp bất luận thuộc thành phần nào.

Trong giai đoạn 2015 - 2018, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 4 nước có thứ hạng cao nhất của 10 nước ASEAN với điểm số tuyệt đối tăng lên liên tục từ 64,42 điểm lên 68,36 điểm (Bảng 1).

Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện đồng nghĩa với tính bình đẳng cao, những đặc lợi mang đến từ môi trường kinh doanh đối với một loại hình doanh nghiệp cụ thể sẽ không còn, do đó, cạnh tranh giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân nội ngành sẽ ngày càng khốc liệt, sự đào thải sẽ nghiệt ngã để chiếm lĩnh những phân khúc thị trường có lợi nhuận cao nhất.  

Cạnh tranh nội ngành có mức độ gai góc cao nhất

Cạnh tranh nội ngành gắn với đặc tính từng ngành công nghiệp, tích lũy và tạo dựng giá trị cốt lõi để từng bước tạo ra giá trị cốt lõi mới, từ đó phát triển ngành và lan tỏa ảnh hưởng sang các ngành khác. Đây là sự cạnh tranh để đưa ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất và dịch vụ đi kèm hoàn hảo nhất. Kết quả cạnh tranh là sự xếp hạng thứ bậc về cùng một loại sản phẩm hoặc dịch vụ theo nhãn hàng hoặc doanh nghiệp.

Để có thứ hạng cao trong cạnh tranh, các doanh nghiệp phải thường xuyên đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ có khả năng cạnh tranh; thương mại hóa với quy mô lớn để vừa tận dụng của lợi thế đổi mới sáng tạo, vừa khai thác lợi thế quy mô.

Đây là quá trình cần được thực hiện liên tục mà nếu có bất kỳ sự xao nhãng hay lơ là nào đều dẫn đến tụt hạng cạnh tranh. Thứ hạng cạnh tranh có thể thay đổi trong thời gian rất ngắn, không phải tính theo năm mà có thể quý, tháng, thậm chí ngắn hơn tùy thuộc vào tốc độ đổi mới công nghệ.

Những ngành công nghiệp có nhiều triển vọng phát triển, có khả năng tạo lợi nhuận siêu ngạch cao đều là tâm điểm chú ý và thu hút với thời gian ngắn nhất nguồn lực như nhân lực, vốn, công nghệ và các điều kiện khác.

Khi tích lũy đủ lượng nhất định, khẳng định vị thế cạnh tranh nội ngành trên nền tảng giá trị cốt lõi được thị trường chấp thuận, doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành để mở rộng phạm vi, đa dạng hóa lĩnh vực để tránh bỏ sót cơ hội cũng như giảm thiểu rủi ro do khả năng quản trị vượt tầm kiểm soát.  

Kiểm chứng thực tế khá thuyết phục

Các tập đoàn thành công trên thế giới như Apple (Mỹ) về điện thoại, Toyota (Nhật) về ô tô, Huydai (Hàn Quốc) về đóng tàu đều hướng nỗ lực cạnh tranh vào các sản phẩm có giá trị cốt lõi cao trước hết ở một ngành, thậm chí chỉ một dòng sản phẩm.

Thành công của chúng có từ chiến thắng trong cạnh tranh nội ngành, vượt lên đối thủ về chất lượng, quy mô lớn, công nghệ mới, liên tục cải tiến và đổi mới sản phẩm theo xu hướng phát triển công nghệ trong ngành.

Ở Việt Nam, một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước thành công là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) có số vốn khoảng 14 tỷ USD đã nỗ lực cạnh tranh bền bỉ trên đoạn thị trường dịch vụ viễn thông, đầu tư phát triển dịch vụ đến 10 quốc gia và có thứ hạng cạnh tranh 49 thế giới, thứ 2 ở châu Á.

Từ những giá trị cốt lõi được xây dựng cũng như kinh nghiệm tích lũy, Tập đoàn có đủ tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân lực và thị trường để mở rộng đầu tư ra ngoài ngành như đầu tư sản xuất vũ khí công nghệ cao.

Tập đoàn Vingroup là tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư tạo giá trị cốt lõi trong sản xuất ô tô, cho ra mắt dòng xe ô tô mang nhãn hiệu Việt Nam. Việc đầu tư nguồn vốn đủ lớn với nguồn nhân lực chất lượng cao, mô hình quản trị khoa học, tiên tiến và cập nhật, coi trọng đổi mới sáng tạo sẽ tạo điều kiện nuôi dưỡng sự thành công và phát triển bền vững.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) là tập đoàn kinh tế nhà nước có giai đoạn đầu tư không thành công, chưa tạo được uy tính và danh tiếng trong ngành công nghiệp tàu thủy, chưa tạo được năng lực cạnh tranh nội ngành thực chất, chưa tạo dấu ấn của giá trị cốt lõi ít nhất trong đóng tàu giúp ngư dân bám biển vươn khơi.

Bên cạnh đó, nguồn đầu tư còn bị phân tán ngoài ngành. Mức độ tập trung chiến lược đầu tư nội ngành thiếu kiên định cho nên chưa tích lũy đủ nguồn lực và kinh nghiệm nội ngành đã khá vội càng đầu tư ngoài ngành. Kết quả là chưa nhận được phần thưởng xứng đáng là lợi nhuận siêu ngạch nội ngành như mong đợi, chưa nói tới bị lỗ.

Công ty TNHH Samsung Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tạo được năng lực cạnh tranh nội ngành cao, giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản xuất điện thoại thông minh, thường xuyên đổi mới, sáng tạo cho nên liên tục tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng quy mô và thu lợi nhuận siêu ngạch. Cạnh tranh nội ngành cao quyết định hiệu quả kinh doanh cao và bền vững của Tập đoàn.  

Doanh nghiệp chuyển động để cải thiện hiệu quả 

Cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước được tiến hành từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới (1986) cho đến nay. Số lượng doanh nghiệp nhà nước được thu hẹp từ con số hàng chục ngàn xuống còn vài trăm.

Quan niệm doanh nghiệp nhà nước thay đổi theo tiêu chuẩn “ngặt” là phải do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Điều này thu hẹp số lượng doanh nghiệp và quy mô tài sản thuộc bộ phận doanh nghiệp này.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành để đầu tư trong ngành đang củng cố cường độ cạnh tranh nội ngành. Việc thành lập và đưa vào hoạt động mô hình Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gần đây với 19 tập đoàn và tổng công ty vốn nhà nước, cũng như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Công ty mua bán nợ (DATC)… đang thúc đẩy việc điều chỉnh phương thức vận hành và quản lý doanh nghiệp.

Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (đầu tháng 11/2018) đòi hỏi thay đổi quan niệm doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp 2014 cho phù hợp với cam kết, cùng với môi trường kinh doanh được cải thiện theo hướng minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp tạo động lực thúc đẩy cải thiện hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Việc cải thiện hiệu quả cần gắn với sự tinh gọn tối đa về số lượng và quy mô doanh nghiệp.

Chưa kể, việc cải thiện hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi sự chủ động, tích cực, sáng tạo của hội đồng quản trị và ban giám đốc doanh nghiệp. Cần xác định lại tầm nhìn chiến lược trong bối cảnh mới của sự phát triển công nghệ, thị trường, đối tác, bạn hàng để sử dụng hiệu quả nguồn lực vật chất quan trọng trong doanh nghiệp.

Theo đó, nên mạnh dạn xác định lại mục tiêu và giá trị cốt lõi thể hiện qua sản phẩm và dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng và mục tiêu cạnh tranh chiến lược nội ngành cả trong nước và quốc tế theo nguyên lý kinh tế học cơ bản: Sản xuất cái gì, như thế nào và cho ai?

Mạnh dạn huy động đội ngũ chuyên gia và tư vấn chiến lược chuyên nghiệp trong nước và quốc tế vào hoạch định và triển khai chiến lược phát triển thông minh thông qua cạnh tranh nội ngành để đến thời điểm tích lũy đủ nguồn lực và năng lực, đủ sự tự tin cạnh tranh ngoài ngành để thu lợi nhuận bình quân.

Đồng thời, cần huy động hiệu quả nguồn vốn, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm quản lý nội ngành trong và ngoài nước.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường Ðại học Kinh tế quốc dân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục