Doanh nghiệp Nhà nước đang gánh nợ hơn 1,5 triệu tỷ đồng

Khoản nợ của các tập đoàn, tổng công ty tăng 1,3% so với 2016 và chiếm hơn một nửa tổng tài sản số đơn vị này. 
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Báo cáo Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa gửi Quốc hội cho thấy, tổng tài sản của 526 doanh nghiệp Nhà nước đến hết năm tài chính 2017 tăng 3%, đạt hơn 3 triệu tỷ đồng. Trong đó các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con gần 2,8 triệu tỷ đồng; còn lại trên 239.000 tỷ đồng thuộc về số công ty TNHH MTV.

Trong khi đó, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty hơn 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với 2016 và chiếm hơn một nửa tổng tài sản số đơn vị này. Bình quân hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,25 lần, song cũng có những đơn vị tỷ lệ này là hơn 3 lần.

Đơn cử, Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân 45,56 lần; Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là 8,07 lần; Tổng công ty Xăng dầu quân đội 7,88 lần; Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) 3,3 lần...

Nợ vay từ các ngân hàng trong nước hơn 486.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với 2016. Trong đó vay ngắn hạn trên 200.600 tỷ; dài hạn hơn 285.400 tỷ đồng.

Một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay từ các ngân hàng lớn, như PVN hơn 146.580 tỷ đồng; EVN hơn 132.000 tỷ; TKV gần 48.700 tỷ; Viettel gần 43.500 tỷ; Vinachem gần 28.420 tỷ đồng...

Ngoài vay từ các nhà băng trong nước, các doanh nghiệp Nhà nước cũng vay khá nhiều từ các tổ chức tài chính nước ngoài, gần 616.000 tỷ đồng. Một số công ty mẹ có số vay và nợ thuê tài chính nước ngoài lớn như Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gần 211.200 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 19.400 tỷ; Công ty mẹ - Tập đoàn Than & khoáng sản Việt Nam (TKV) gần 17.400 tỷ đồng... 

Tuy nhiên các công ty mẹ đều đảm bảo cân đối giữa tổng nợ phải trả với tổng vốn và vốn chủ sở hữu, cũng như đảm bảo đủ khả năng trả nợ ngắn hạn, lãi nợ vay.

Cùng với nợ phải trả lớn, các "ông lớn" cũng có những khoản nợ phải thu tăng 13% so với 2016, hơn 409.000 tỷ; trong đó nợ khó đòi là trên 14.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có nợ phải thu lớn nhất gần 7.000 tỷ đồng; Tập đoàn Cao su Việt Nam gần 1.600 tỷ đồng; Tập đoàn Than & khoáng sản Việt Nam (TKV) 458 tỷ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 308 tỷ đồng; Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) 298 tỷ; Tổng công ty Sông Đà 283 tỷ ...

Trong hơn 427.000 tỷ đồng nợ phải thu của các công ty mẹ, gần 7.600 tỷ là nợ khó đòi. PVN là tập đoàn có khoản nợ khó đòi lớn nhất, gần 2.400 tỷ đồng; kế đến là Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) 946 tỷ; Công ty mẹ - Vinachem 695 tỷ; Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone 510 tỷ ...

Dù vậy, hệ sống vòng quay các khoản phải thu của công ty mẹ lớn hơn 1 (1,71 lần) nên dòng tiền thu hồi nợ vẫn đủ luân chuyển cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty cũng trích lập dự phòng nợ khó đòi hơn 12.000 tỷ, trong đó công ty mẹ gần 7.400 tỷ đồng.

Số nợ cao nhưng tình hình kinh doanh của các "ông lớn" tương đối khả quan, khi doanh thu đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với 2016 và lợi nhuận trước thuế hơn 167.500 tỷ, tăng 26%. 

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay trên tài sản (ROA) bình quân của các tập đoàn, tổng công ty năm 2017 là 7,5%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) 10,4%. 

"Về cơ bản, phần lớn doanh nghiệp Nhà nước đều bảo toàn được vốn chủ sở hữu, trừ một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, một số công ty mẹ có vốn chủ sở hữu năm 2017 thay đổi giảm do các tập đoàn, tổng công ty triển khai tái cấu trúc theo phương án đã được phê duyệt", báo cáo Chính phủ nhận xét.

Báo cáo tình hình "sức khoẻ" của các doanh nghiệp Nhà nước cũng cho thấy nhiều đơn vị đang kinh doanh thua lỗ. Riêng lỗ luỹ kế của 10 tập đoàn, tổng công ty trên 12.000 tỷ đồng, trong đó Vinachem gần 1.970 tỷ; Viettel gần 5.600 tỷ, Tổng công ty Lương thực miền Nam trên 1.094 tỷ...

Hai công ty mẹ có lỗ luỹ kế lớn là Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam gần 920 tỷ đồng và Công ty mẹ - Vinachem xấp xỉ 873 tỷ. 

"Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Chưa kể, một số dự án còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn", báo cáo Chính phủ nhận xét. 

Bên cạnh đó, cơ chế quản trị chậm đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp Nhà nước chưa rõ ràng; cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Khắc phục những tồn tại của các "ông lớn", một lần nữa báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh tới việc cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, quá trình đã được thực hiện vài năm nay nhưng vẫn đang khá chậm chạp. 


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục