Thúc công ty bảo hiểm lên sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính tới cuối năm 2023, toàn thị trường có 81 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đang hoạt động, thế nhưng mới có 12 doanh nghiệp phi nhân thọ và tái bảo hiểm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Khi lên sàn chứng khoán, các công ty bảo hiểm phải minh bạch thông tin theo quy định Khi lên sàn chứng khoán, các công ty bảo hiểm phải minh bạch thông tin theo quy định

Tại đại hội đồng cổ đông Bảo hiểm Agribank (ABIC, mã ABI) diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, nhiều cổ đông thắc mắc về thời điểm chuyển giao dịch cổ phiếu ABI từ thị trường UPCoM sang sàn niêm yết chính thức.

Trả lời cổ đông, Đoàn Chủ tịch ABIC cho biết, Công ty dự tính chuyển sàn vào năm 2025, hiện đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết như công nghệ thông tin, công tác quản trị…

Tại đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) từ nay đến năm 2025, tập đoàn này sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại 2 công ty con là Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân thọ, sau đó chuyển thành 2 công ty cổ phần.

Một số cổ đông của Tập đoàn Bảo Việt bày tỏ mong muốn sau khi cổ phần hóa, 2 công ty con này cũng sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán giống như Công ty mẹ hay một thành viên khác là Chứng khoán Bảo Việt (mã BVS).

Tương tự, Tổng công ty Bảo hiểm PVI cũng có kế hoạch cổ phần hóa và nhiều cổ đông của Công ty mẹ là Công ty cổ phần PVI (mã PVI) mong mỏi công ty bảo hiểm này sẽ niêm yết sau đó.

Việc thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm lên sàn chứng khoán đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong Quyết định số 07/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 ban hành ngày 5/1/2023. Tuy nhiên, từ đó tới nay, chưa có thêm doanh nghiệp nào xuất hiện trên thị trường chứng khoán.

Tính tới cuối năm 2023, toàn thị trường có 81 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đang hoạt động. Trong đó, có 32 doanh nghiệp phi nhân thọ (bao gồm 1 chi nhánh doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài), 19 doanh nghiệp nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 28 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Trong số này, mới có 10 doanh nghiệp phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, trên sàn HOSE có Bảo hiểm BIDV (mã BIC), Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI), Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH), Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã MIG), Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI); trên sàn HNX có Bảo hiểm Bưu điện (PTI, mã PTI), Công ty cổ phần PVI (mã PVI), Tái bảo hiểm Hà Nội (mã PRE), Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VRE); trên thị trường UPCoM có Bảo hiểm Agribank (ABIC, mã ABI), Bảo hiểm Hàng không (mã AIC), Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BHS, mã BHI), Bảo hiểm Bảo Long (mã BLI).

PVI và BVH lâu nay vẫn thường được xếp vào rổ cổ phiếu bảo hiểm, nhưng thực chất là 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính - đầu tư, sở hữu 100% vốn tại 2 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lần lượt là Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt. Riêng BVH có thêm công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là Bảo Việt Nhân thọ. Hiện tại, chưa có công ty bảo hiểm nhân thọ nào hiện diện trên sàn chứng khoán.

Với doanh nghiệp nói chung, việc lên sàn chứng khoán sẽ giúp nâng cao năng lực tài chính, quản trị, sự minh bạch cũng như khả năng huy động vốn dài hạn. Bởi vậy, với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như bảo hiểm thì điều này càng trở nên cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh minh bạch thông tin còn là hạn chế của các doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm, dẫn đến sụt giảm niềm tin như hiện nay.

Quay trở lại câu chuyện của ABIC, nhiều cổ đông bày tỏ mong muốn doanh nghiệp này sớm lên sàn để được tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác hơn, vì thực tế website Công ty còn thiếu thông tin cập nhật. Lãnh đạo ABIC cho biết đang nỗ lực thực hiện công bố thông tin theo quy định và sẽ tăng cường cung cấp thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư thông qua website Công ty.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục