Thúc cổ phần hóa, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp mới

(ĐTCK) Để góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa (CPH) các DNNN đang diễn ra chậm, một giải pháp mới đáng chú ý vừa được Bộ Tài chính đề xuất lên Chính phủ là khắc phục nguy cơ xác định giá trị doanh nghiệp “ảo”.
Hết tháng 8/2015, cả nước mới CPH được 234 DN, bằng 54,1% kế hoạch giai đoạn 2014 - 2015 Hết tháng 8/2015, cả nước mới CPH được 234 DN, bằng 54,1% kế hoạch giai đoạn 2014 - 2015

Định giá theo thị trường               

Một trong những vướng mắc đang làm chậm quá trình CPH là một số cơ chế bộc lộ bất cập. Cụ thể, liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP, trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp CPH tại doanh nghiệp khác được xác định thấp hơn giá trị ghi trên sổ kế toán, thì xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn theo giá trị ghi trên sổ kế toán của doanh nghiệp.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp có khoản đầu tư tài chính dài hạn tại các doanh nghiệp khác, mà các doanh nghiệp được đầu tư bị lỗ, mất vốn, nên giá trị các khoản đầu tư này thấp hơn giá trị trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp CPH.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải lấy giá trị ghi trên sổ sách kế toán để tính vào giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, các khoản trích dự phòng mà doanh nghiệp đã trích lại phải hoàn nhập tăng vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Việc này, phản ánh không đúng giá trị thực của doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.

Theo phản ánh của giới đầu tư, chính bất cập trên đang tạo ra yếu tố “ảo” trong xác định giá trị doanh nghiệp. Điều này khiến NĐT nhìn nhận giá cổ phần mà nhiều doanh nghiệp đưa ra chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) đắt so với giá trị thực của doanh nghiệp.

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 59/2011/NĐ-CP, mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành, có đưa ra hướng khắc phục bất cập trên.

Theo đó, trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp CPH tại doanh nghiệp khác khi đánh giá, xác định lại có giá trị thực tế thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán, thì được xác định theo giá trị thực tế xác định lại. Với cách điều chỉnh này, việc xác định giá trị doanh nghiệp sẽ theo hướng thị trường, căn cứ vào giá trị thực tế tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để CPH.

Liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, Nghị định 59/2011/NĐ-CP quy định: giá trị vốn góp của doanh nghiệp CPH vào CTCP đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK được xác định theo giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên TTCK tại thời điểm gần nhất với thời điểm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.

Quy định trên đang bộc lộ bất cập khi cổ phiếu của nhiều công ty trên UPCoM không có giao dịch trong thời gian dài, nên không có giá trị thực tế để đánh giá lại khoản đầu tư tài chính.

Để giải tỏa vướng mắc này, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59 quy định: trường hợp cổ phiếu của CTCP đã đăng ký giao dịch trên UPCoM mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp, thì được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 33 Nghị định 59.

Cụ thể, giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp CPH tại các doanh nghiệp khác được xác định trên cơ sở: a) Tỷ lệ vốn đầu tư của doanh nghiệp CPH trên vốn điều lệ hoặc tổng số vốn thực góp tại các doanh nghiệp khác; b) Giá trị vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp khác theo BCTC đã được kiểm toán. Trường hợp chưa kiểm toán thì căn cứ vào giá trị vốn chủ sở hữu theo BCTC tại thời điểm gần nhất của doanh nghiệp đó để xác định... 

Nỗ lực CPH gần 200 doanh nghiệp từ nay đến cuối năm

Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, giai đoạn 2014 - 2015, cả nước sẽ CPH 432 doanh nghiệp, nhưng hết tháng 8/2015 mới CPH được 234 doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc hoàn thành kế hoạch CPH đang tạo áp lực lớn khi vừa phải hoàn thành tiến độ đề ra, vừa phải đảm bảo chất lượng, không làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Để đáp ứng các mục tiêu này, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giải pháp: với những doanh nghiệp đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo phương án CPH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa thực hiện IPO trong thời gian 90 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt, thì doanh nghiệp được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp để chuyển đổi mô hình hoạt động sang CTCP.

Giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm trong phương án CPH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chênh lệch giữa giá bán cho người lao động, tổ chức công đoàn (nếu có) so với mệnh giá cổ phần được trừ vào giá trị phần vốn Nhà nước khi quyết toán tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành CTCP. Trong vòng 12 tháng sau khi doanh nghiệp chuyển thành CTCP, doanh nghiệp CPH phải thực hiện IPO.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục