Thừa Thiên Huế tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2023, Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế cấp mới chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 141,8 triệu USD (tương đương 3.391 tỷ đồng).
Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến tin cậy, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ảnh minh hoạ. Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến tin cậy, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ảnh minh hoạ.

Năm 2023, doanh thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 1.400 triệu USD, đóng góp trên 10% GRDP toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nộp ngân sách ước đạt 4.370 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ; chiếm tỷ trọng 38,5% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Tình hình thu hút các dự án FDI trong năm 2023 đạt được một số kết quả đáng chú ý, toàn tỉnh cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 141,8 triệu USD (tương đương 3.391 tỷ đồng), trong đó, một số dự án lớn nổi bật như: Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza ( liên doanh với Ý) vốn đầu tư đăng ký 91.111.000 USD; Dự án nhà máy sản xuất keo, chất kết dính và sản phẩm làm từ nhựa Okura Việt Nam (Nhật Bản) vốn đầu tư đăng ký 12.500.000 USD; Dự án Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon-Huế (Nhật Bản) vốn đầu tư đăng ký 6.800.600 USD... Lũy tiến đến nay trên địa bàn tỉnh có 126 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.524,7 triệu USD.

Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, khu vực đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm đến của một số tập đoàn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Carlsberg (Đan Mạch), Banyan Tree (Singapore), HBI (Hoa Kỳ), Scavi (Pháp), Luks ciment (Hồng Kông), CP (Thái Lan), Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Baosteel (Trung Quốc), SBH (Tây Ban Nha), AeonMall (Nhật Bản), Kanglongda (Trung Quốc)… với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần ngày càng nâng cao vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong nước và trên thế giới.

Ông Trần Văn Mỹ - Tổng giám đốc Trung tâm Quản lý Miền Trung Tập đoàn Scavi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ FDI Huế Thừa Thiên Huế cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đăng kí mới trong thời gian gần đây cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện, đón nhận xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây chính là cơ hội cũng như thách thức cho Huế, để đón nhận dòng vốn lớn có chọn lọc, nhằm thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư trên cơ sở chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư ngoài nước vào sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ triển khai, khởi công các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, trong đó chú trọng các dự án lớn, tạo giá trị gia tăng, nguồn thu ngân sách,…có tác động lớn đến tình hình KTXH của tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật - công nghệ, luật, tài chính...Nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án logistic và cảng biển để tăng tính chủ động trong việc lưu thông hàng hóa. Tiếp tục thực hiện, triển khai Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 và Nghị quyết điều chỉnh 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến cảng Chân Mây.

“Tăng cường, nâng cao sự gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp địa phương là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển. Tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả câu lạc bộ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại tỉnh đạt được trong những năm vừa qua, từ đó, giúp cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại tỉnh có cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp FDI và các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các tổ chức có liên quan”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho hay.

PV
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục