Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản trong thời khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo chí cần thực sự trở thành cầu nối để các doanh nghiệp, nhà đầu tư chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất tới cơ quan quản lý, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của ngành địa ốc hiện nay.
Báo chí là nơi cung cấp thông tin chính thống, đồng thời là kênh hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Báo chí là nơi cung cấp thông tin chính thống, đồng thời là kênh hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Tâm lý e ngại, không muốn chia sẻ, nhất là khi vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu trong tác nghiệp của một số phóng viên nên không ít lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản không muốn, thậm chí từ chối ngay trong cuộc gọi đầu tiên mà phóng viên đặt vấn đề, dù đó là những câu chuyện về thị trường, "kêu" giúp cái khó của doanh nghiệp.

Chủ đầu tư một dự án bất động sản chia sẻ, anh từng phải bỏ cuộc họp để tiếp 5 - 6 đoàn phóng viên từ các báo, đài, với số lượng vài chục người, chỉ vì một vấn đề liên quan đến quỹ bảo trì và sổ hồng của dân cư. Đành rằng, chủ đầu tư có trách nhiệm chính, nhưng một phần nguyên nhân của vấn đề đó đến từ việc chậm giải quyết các hồ sơ, thủ tục còn thiếu của cơ quan chức năng.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, giải thích thế nào cũng không hợp tình, hợp lý, vì "không nói rõ thì lỗi thuộc về chủ đầu tư, còn nói rõ và chỉ ra lỗi của cơ quan sở tại thì sau này cũng... khó ăn khó nói", nên sau sự cố đó, vị chủ đầu tư dự án trên ngại trả lời phỏng vấn báo chí, thậm chí cả với những phóng viên thân quen. Các vấn đề nếu có trả lời thì xin được giấu tên, vì lo ngại đó có thể là hành động “bôi mỡ cho kiến đốt”, dù vẫn có đánh giá tích cực về các phóng viên và coi báo chí là nơi cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống, đồng thời là kênh hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Một câu chuyện khác, trong cuộc “trà dư tửu hậu”, giám đốc một đơn vị phân phối bất động sản, đồng thời là một chuyên gia trong ngành, thường trả lời phỏng vấn trên truyền hình cho biết, đa phần bạn bè anh “sợ” trả lời phỏng vấn báo chí. Bởi lẽ, không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng đủ “khéo” để trả lời mà không ngắc ngứ, không để lộ sơ hở về vấn đề mà doanh nghiệp đã và đang gặp phải.

Hệ quả là vấn đề đó bị “đào bới” từ nhiều nguồn và đưa lên mặt báo, tạo ra ảnh hưởng không đáng có. Bởi lẽ, nói “hớ” không chỉ đơn thuần là câu chuyện mất uy tín, mất tiền, mà còn là câu chuyện về pháp luật liên quan. Bản thân anh tuyên bố lập trường không ngại trả lời thẳng những vấn đề nóng, ngay cả vấn đề mà đối tác đang gặp phải, nhưng cũng giới hạn ở các vấn đề mà anh hiểu sâu, có thời gian suy nghĩ, đồng thời chỉ dành cho những phóng viên đã chứng minh được sự khả tín.

Các mối quan hệ giữa cơ quan báo chí với doanh nghiệp có thể va chạm giữa góc nhìn về lợi ích khác nhau, nhưng vẫn trên cơ sở đồng hành, tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh.

Những năm gần đây, khi báo chí gắn với nhiều hoạt động truyền thông khác, nhất là trên không gian mạng, người ta hay nói đến một thứ quyền lực trong xã hội, mới hơn, rộng hơn, đó là quyền lực truyền thông.

Ở một khía cạnh nào đó, thứ quyền lực này có thật khi thông tin báo chí có thể tác động tới đám đông, có thể thay đổi tư duy và góc nhìn của một số người, thậm chí tác động rất lớn. Mặc dù vẫn có tình trạng “ngại” báo chí, nhưng hầu như tất cả các doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý đều nhìn nhận, vai trò của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp cần được xác định là bệ đỡ đưa thương hiệu doanh nghiệp đến với người tiêu dùng, là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ công lý, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính và phát triển.

Vấn đề còn lại là sử dụng quyền lực này như thế nào cho phù hợp. Thực tế, từ kinh nghiệm tác nghiệp cho thấy, phần lớn đề tài, nhất là đề tài “không đụng hàng”, chủ yếu đến từ những cuộc trà dư tửu hậu với lãnh đạo các doanh nghiệp và các chuyên gia. Bối cảnh thân tình khiến họ dễ dàng chia sẻ những góc nhìn, gợi ý các đề tài để phóng viên đào sâu tìm hiểu và viết bài, thực hiện quyền lực của mình một cách phù hợp, mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Điều này cho thấy, trong quyền lực báo chí có một phần không nhỏ của doanh nghiệp, chuyên gia và mục tiêu cuối cùng cho một bài viết dù phản biện hay phản ánh những vấn đề bất cập đều hướng tới việc xây dựng và tìm hướng giải quyết những điểm nghẽn đang ngăn cản dòng chảy của các hoạt động kinh tế - thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP-Invest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay, ông thích cách thức làm việc của Báo Đầu tư với những diễn đàn mở và đa chiều của thông tin phản biện, dù trong đó có vấn đề "đụng" đến những nhà tài trợ cho sự kiện. Vấn đề nằm ở các phản biện đều “đúng”, “trúng”, mang tính xây dựng và kết quả cuối cùng ai cũng đều là người có lợi khi tiếng nói góp ý của mình đến được cơ quan quản lý.

Tất nhiên, chia sẻ trên của ông Hiệp không chỉ dành riêng cho Báo Đầu tư, bởi có nhiều đơn vị báo chí tạo dựng được thương hiệu theo hướng làm cầu nối thông tin đa chiều giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý. Các mối quan hệ giữa cơ quan báo chí với doanh nghiệp có thể va chạm giữa góc nhìn về lợi ích khác nhau, nhưng vẫn trên cơ sở đồng hành, tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh.

Quay trở lại câu chuyện với các doanh nghiệp ngành địa ốc, giai đoạn này có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng 10 năm trước.

Tuy vậy, bản chất các mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp địa ốc vẫn luôn là mối quan hệ cộng sinh không tách rời. Đặc biệt, giai đoạn khó khăn như hiện nay, việc chia sẻ những khó khăn, cầu nối truyền tải những vấn đề thực tại một cách chính xác của doanh nghiệp càng phải nhiều hơn, từ đó giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tiếp tục phát triển và đồng hành cùng báo chí.

Tất nhiên, ở góc độ ngược lại, các doanh nghiệp cần chủ động và giảm bớt tâm lý e ngại với báo chí, bởi nếu không chia sẻ, bày tỏ và cung cấp những vấn đề của mình thì sẽ rất khó có những bài báo hay, bài báo đủ tốt để có tác động lan truyền và thay đổi những điểm nghẽn mà doanh nghiệp đang gặp phải theo hướng tích cực.

Ninh Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục