Thừa Thiên Huế muốn ACV sớm đầu tư "nâng đời" sân bay Phú Bài

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với việc kéo dài đường cất hạ cánh và hệ thống đường lăn, lãnh đạo UBND Thừa Thiên Huế muốn ACV sớm đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa tại cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến, hướng dẫn cơ quan, đơn vị liên quan, giải quyết thủ tục bổ sung Dự án Kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.700 lên 3.048 m; nâng cấp đường lăn song song và các đường lăn nối đồng bộ, Hệ thống ILS/DME CAT 1 đầu 27 tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đảm bảo bàn giao đúng tiến độ theo nhu cầu sử dụng đất của Dự án đầu tư được phê duyệt; đồng hành cùng chủ đầu tư dự án giải quyết các vướng mắc phát sinh liên quan thuộc thẩm quyền để dự án triển khai thuận lợi, hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.

Ngoài hạng mục nói trên, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đồng thời gửi công văn tới Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng Dự án đầu tư Nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài theo chủ trương, chỉ đạo nêu trên để sớm đưa Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài đạt chuẩn, xứng tầm sân bay Quốc tế, là bước chuẩn bị cần thiết để đón đầu cơ hội, phục vụ tốt các chuyến bay trong nước và quốc tế đến Huế và khu vực Miền Trung - Tây nguyên.

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài được Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cho nâng cấp mở rộng đưa vào khai thác năm 2013 với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh 2700 x 45m và nhà ga có tổng diện tích 6.500 m2, đảm bảo tiếp nhận được các loại máy bay tầm gần, tầm trung hạn chế (A320/A321 và tương đương), phục vụ 1,5 triệu hành khách/năm.

Đến nay, sau gần 9 năm đưa vào sử dụng, hạ tầng sân bay không còn phù hợp với nhu cầu thực tế; sản lượng hành khách qua cảng năm 2019 đạt gần 2,0 triệu, vượt 30% so với công suất thiết kế là 1,5 triệu hành khách/năm; chiều dài đường cất hạ cánh hạn chế, hệ thống đường lăn chưa đồng bộ, làm giảm năng lực khai thác và an toàn bay.

Theo Quy hoạch cảng hàng không quốc té Phú Bài đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1029/QĐ-TTg ngày 17/7/2009; theo đó, chỉ tiêu quy hoạch đạt được đến năm 2020: kéo dài đường cất hạ cánh số 1 hiện có đạt kích thước chuẩn 3.048 m x 45 m; hoàn thiện đường lăn song song dài 3.048 m và 6 đường lăn nối; bảo đảm tiếp nhận các loại máy bay B767, B777; sau năm 2020 kéo dài đường lăn song song lên 3.800 m và xây dựng thêm 1 đường lăn nối.

Để giải quyết thực trạng và nhu cầu phát triển như đã nêu trên, UBND Thừa Thiên Huế đã đề nghị và được Bộ GTVT ACV triển khai đầu tư Nhà ga hành khách T2 trong năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021, đảm bảo phục vụ 5 triệu hành khách/năm.

Để tiếp tục đầu tư hạ tầng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đồng bộ theo quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận, đồng ý chủ trương thực hiện và chỉ đạo tại Thông báo số 410/TB-VPCP ngày 29/12/2020, cụ thể: “Đối với Nhà ga hàng hoá: Đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hàng hóa; giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp tham mưu Thủ tướng xem xét, quyết định”.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, việc triển khai sớm các hạng mục này là để thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; với mong muốn tiếp tục, đẩy nhanh tốc độ phát triển, đưa sân bay Phú Bài xứng tầm, đạt tiêu chuẩn là Sân bay Quốc tế với cơ sở hạ tầng được đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch, đảm bảo điều kiện khai thác thuận lợi, an ninh, an toàn, phát huy tối đa hiệu quả các hạng mục đã được đầu tư.

Anh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục