Ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương tại cuộc họp chiều 19/11 về tình hình thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021 và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Tại cuộc họp, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, vì vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung tổ chức phân bổ nguồn lực từ Trung ương và nguồn lực của địa phương cho các công trình, dự án trọng điểm và ưu tiên các công trình chuyển tiếp, các công trình quyết toán hoàn thành để đưa vào sử dụng, hạn chế khởi công mới.
Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên nguồn vốn đầu tư một số công trình, dự án phát triển kinh tế như hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng phát triển công nghiệp; thực hiện dự án di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, tổng kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2021 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 27.000 tỷ đồng, trong đó, vốn địa phương quản lý 19.850 tỷ đồng, vốn đầu tư qua Bộ ngành Trung ương 7.150 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 25.545 tỷ đồng, đạt 94,6% kế hoạch, bằng 104,5% so với thực hiện năm 2020.
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết:“ Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội”.
Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, đến nay nhiều công trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng, một số công trình chuyển tiếp đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch năm 2021 vẫn chưa đáp ứng được nhiệm vụ đề ra, công tác giải ngân chưa đảm bảo theo yêu cầu do vẫn còn một số yếu tố bất lợi như tình hình dịch bệnh phức tạp; nguồn vốn vay của doanh nghiệp huy động khó khăn, năng lực các nhà thầu chưa được nâng cao; thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn bất cập; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc; thời tiết các tháng cuối năm mưa nhiều…
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra tiến độ thực hiện tại một dự án đầu tư công. |
Không đầu tư dàn trải
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, về kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế được bố trí hơn 4.281 tỷ đồng. Với quan điểm bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025,Thừa Thiên Huế sẽ tập trung bố trí để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội địa phương, có tính kết nối và lan tỏa, đặc biệt góp phần thực hiện mục tiêu sớm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, để đạt được mục tiêu này, các sở, ban, ngành, địa phương phải ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để khai thác, huy động tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục.
“Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, nhất là thông qua hợp tác đối tác công tư. Tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả, nâng cao hiệu quả đầu tư công”, Chủ tịch Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị cơ quan chuyên môn tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm để vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất của nền kinh tế, tăng cường kết nối liên vùng, khu vực, quốc tế, vừa góp phần tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng; phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống công trình thủy lợi nội đồng; cải tạo, nâng cấp cảng cá, trung tâm nghề cá lớn, khu neo đậu tránh trú bão.