Tín hiệu tích cực
Cũng giống như các lĩnh vực khác, khi nền kinh tế đang từng bước mở cửa lại theo lộ trình, thì giải ngân vốn đầu tư công cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn trong tháng 10/2021.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 10/2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 41.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng 9.
“Điều này cho thấy, các giải pháp Chính phủ đề ra về công tác phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội cùng với sự nỗ lực của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã bước đầu có hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Tín hiệu tích cực đã có, khi trạng thái bình thường mới đang dần được thiết lập. Tuy nhiên, nếu tính chung 10 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: “Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, thấp so với cùng kỳ và chưa đạt yêu cầu đề ra”.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi chỉ có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 65%, thì có tới 32/50 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Thậm chí, tới thời điểm này, vẫn có 2 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
“Giải ngân vốn đầu tư công năm nay bị tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội đã dẫn đến gián đoạn vận chuyển nguyên nhiên vật liệu và thiết bị để triển khai thi công; giá nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng. Hơn nữa, giải ngân chậm còn do công tác điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu quyết liệt...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Không thể không nhắc tới những nguyên nhân cố hữu, như giải phóng mặt bằng chậm, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả…, song rõ ràng, Covid-19 là yếu tố chưa từng có tiền lệ, đã tác động mạnh tới tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay.
Có thể nói, chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay. Bởi thế, nhiều kỳ vọng đang được đặt ra, rằng cuối năm, nếu tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện.
Hóa giải thách thức
Dù nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, bao gồm cả giải ngân vốn đầu tư công, song nhận định về tình hình kinh tế cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra 7 yếu tố có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công được coi là một thách thức lớn.
“Giải ngân đầu tư công chậm là thách thức đối với việc hoàn thành mục tiêu cả năm. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần phát huy sự chủ động, loại bỏ tâm lý e ngại trách nhiệm và lưu tâm đúng mức đến thúc đẩy tác động lan tỏa của các dự án đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, hàng loạt giải pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, như quyết liệt triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP, Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, hạ tầng số; sửa đổi quy định pháp luật còn chồng chéo, cản trở hoạt động đầu tư công…
Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022; bảo đảm an toàn và tiến độ thi công công trình trong mùa thiên tai, mưa lũ cuối năm…
Một đề xuất quan trọng khác cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ, đó là cho phép không thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 mới đây, cho rằng đầu tư công còn bất cập, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần phân tích rõ nguyên nhân, điểm nào do thể chế chính sách, do khâu tổ chức thực hiện, đồng thời, phải tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công.
Trong khi đó, thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), trong khi Quốc hội và Chính phủ chưa quyết định về việc tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, thì có thể tăng đầu tư toàn xã hội bằng việc tăng vòng quay tiền thông qua cải cách hành chính trong triển khai thực hiện dự án đầu tư ngoài ngân sách và đầu tư công.
“Các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, cấp phép xây dựng, phê duyệt tác động môi trường, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy cần được nghiêm túc nghiên cứu và cởi trói mạnh mẽ theo hướng tăng cường phân cấp theo nguyên tắc: việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân, thì giao cấp đó thực hiện. Tăng đầu tư toàn xã hội bằng cách này lại còn không mang lại rủi ro lạm phát cho nền kinh tế”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nói.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề xuất việc cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công và coi đó là một trong những giải pháp trọng tâm để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
“Chúng ta đã nhiều lần xác định cơ cấu lại vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào những công trình trọng điểm và công trình dang dở để hoàn thành. Cần tập trung, giữ nghiêm kỷ luật đầu tư công”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Cùng với các giải pháp trong ngắn hạn, hiện tại, một chương trình tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, cũng đã được Chính phủ xây dựng và chờ Quốc hội thông qua. Một khi các giải pháp mang tính căn cơ này được thực hiện, thì sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công.
Trong 10 tháng, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách đạt trên 257.000 tỷ đồng, bằng 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ 67,25% của cùng kỳ năm 2020. Trong số này, vốn trong nước đạt 60,89%, vốn nước ngoài đạt 15,29%.