Thua lỗ chồng chất, VOS có gượng dậy được không?

(ĐTCK) Lợi nhuận sau thuế âm quý thứ 10 liên tiếp, lỗ lũy kế chiếm tới 70% vốn điều lệ, nguy cơ hủy niêm yết một lần nữa trở lại với CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS).
Thua lỗ chồng chất, VOS có gượng dậy được không?

Lỗ lũy kế “ăn mòn”  70% vốn

VOS là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành vận tải biển Việt Nam, xét trên quy mô vốn, đội tàu và năng lực vận tải cũng như lịch sử hoạt động. Tại thời điểm cuối năm 2016, VOS quản lý và khai thác 21 chiếc tàu các loại, bao gồm 15 tàu hàng khô và hàng rời chuyên dụng, 2 tàu dầu sản phẩm và 4 tàu container, tổng trọng tải là 509.447 DWT.

Bên cạnh vận tải biển là mảng kinh doanh chính, đóng góp trên dưới 90% doanh thu hàng năm, VOS còn cung cấp các dịch vụ hàng hải khác như: đại lý tàu biển, logistics, huấn luyện - đào tạo, cung ứng thuyền viên, đại lý sơn, dầu nhờn, sửa chữa tàu biển, khai thác bãi container...

Trái ngược với quy mô và vị thế trong ngành, kết quả kinh doanh của Công ty trong nhiều năm trở lại đây liên tục thua lỗ. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 của VOS cho thấy, trong quý này, Công ty lỗ 88,5 tỷ đồng, nâng lỗ 6 tháng đầu năm lên 172,2 tỷ đồng. Với kết quả này, VOS nằm trong danh sách những doanh nghiệp niêm yết lỗ nặng nhất trên cả 2 sàn.

Đáng chú ý, đây là quý thứ 10 liên tiếp hoạt động kinh doanh của VOS không có lãi. Tính đến cuối tháng 6/2017, tổng lỗ lũy kế của Công ty lên tới 974,3 tỷ đồng, chiếm 69,5% trên 1.400 tỷ đồng vốn điều lệ.

Theo ông Đặng Hồng Trường, thành viên Ban Kiểm soát, đại diện công bố thông tin của VOS, trong quý vừa qua, lượng cung tàu tăng làm cho giá cước tiếp tục giảm, trong khi giá nhiên liệu (là chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá thành vận tải biển) tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước khiến Công ty thua lỗ.

Thực ra, đây là khó khăn không mới và cũng là nguyên nhân chủ yếu trong các giải trình thua lỗ của VOS trước đó.

Kinh doanh thua lỗ kéo dài, cơ cấu tài chính của VOS ngày càng mất cân đối. Tại thời điểm 30/6/2017, nợ phải trả chiếm 88,6% tổng nguồn vốn của Công ty, lên tới 3.551 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính là 2.437 tỷ đồng, với 82% là nợ dài hạn, chi phí lãi vay trong kỳ 66,9 tỷ đồng.

Trong cơ cấu tài sản của VOS, tài sản cố định hiện là khoản mục lớn nhất chiếm 77% tổng tài sản với giá trị 3.084 tỷ đồng, chủ yếu là nằm tại các con tàu. Hệ số tài sản cố định cao chủ yếu tài trợ bằng lãi vay một mặt tạo sức ép lớn về mặt doanh thu để đảm bảo tài sản được quay vòng nhanh và bù đắp chi phí lãi vay, mặt khác cũng để lại gánh nặng khấu hao đáng kể. Sáu tháng đầu năm, chi phí khấu hao của VOS lên đến 203 tỷ đồng, chiếm 25,4% giá vốn hàng bán và chiếm 24% tổng các loại chi phí kinh doanh theo yếu tố.

Bán tài sản có thoát lỗ?

Giá cước vận tải biển thể hiện qua hai chỉ số phản ánh giá cước là BDI - The Baltic Exchange Dry Index và chỉ số BHSI (The Baltic Exchange Handysize Index) trong vài năm qua liên tiếp giảm sâu, không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, mà còn khiến giá trị của các con tàu khi thanh lý sụt giảm nghiêm trọng. Đây là khó khăn của VOS và cũng là tình cảnh chung của các doanh nghiệp vận tải biển trong nước và thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn chung, câu hỏi được đặt ra là: Tại sao nhiều doanh nghiệp cùng ngành trong nước và trên thế giới đã có những biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để khắc phục và có lãi thì VOS vẫn chìm trong thua lỗ, thậm chí lỗ ngày càng tăng?

Sau khi lỗ trước thuế 295 tỷ đồng trong 2015 và 354 tỷ đồng trong 2016, tại Đại hội cổ đông 2017, Ban lãnh đạo VOS khá “thận trọng” khi đưa ra chỉ tiêu kinh doanh cho năm nay chỉ là “giảm lỗ tối đa”.

Cũng tại Đại hội, VOS đã đề xuất kế hoạch thanh lý 2 con tàu hàng khô cỡ 6.200 DWT và 6.500 DWT đều đã hết khấu hao là tàu Sông Ngân (đóng năm 1999 tại Nhật Bản) và tàu Vĩnh Thuận (đóng năm 2000 tại Việt Nam). Theo lãnh đạo VOS, hai con tàu này tuổi chưa quá cao, nhưng đã đến thời hạn phải sửa chữa, nhưng sắp tới kỳ lên đà, nếu giữ lại cũng khó thu hồi được kinh phí sửa chữa. 

Năm 2014, VOS từng ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ việc thanh lý 2 tàu hàng khô đã hết khấu hao là Diamond Star (trọng tải 27.000 DWT) và tàu Silver Star (trọng tải 21.967 DWT), thu về tổng cộng 10,5 triệu USD. Việc bán tàu đã giúp Công ty thoát án hủy niêm yết bắt buộc sau hai năm 2012-2013 thua lỗ.

Những tưởng bán tàu là giải pháp ứng phó tạm thời giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí, cải thiện dòng tiền, cùng giá dầu giảm sâu sẽ giúp VOS phục hồi, thế nhưng trong hơn 2 năm qua, hiệu quả kinh doanh của Công ty vẫn chưa cải thiện.

Đến thời điểm này, vẫn chưa có thêm thông tin nào về kế hoạch bán tàu của VOS được công bố ra thị trường. Với trọng tải 2 con tàu dự kiến bán năm nay nhỏ hơn nhiều so với các tàu đã bán trước đó, nhiều ý kiến phân tích cho rằng, rất khó để VOS đảo ngược được tình thế thua lỗ khủng nhờ thương vụ bán tài sản này.

Bến Thành

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục