Những doanh nghiệp lỗ lớn
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II và bán niên 2017 gần kết thúc, hầu hết doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ, hợp nhất cùng báo cáo soát xét của kiểm toán.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, trên 90% doanh nghiệp trên 2 sàn niêm yết hoạt động có lãi, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng, đem lại niềm vui và kỳ vọng cho cổ đông vào một năm kinh doanh thành công.
Tuy nhiên, có hàng chục doanh nghiệp thua lỗ, con số từ vài chục triệu đồng đến vài chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Dẫn đầu danh sách này là Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC), dù doanh thu, lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2017 tăng lần lượt 6,7% và 24,9% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn, dài hạn khó đòi vào chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến gần 280 tỷ đồng, gấp 1,67 lần lợi nhuận gộp, khiến lợi nhuận sau thuế âm 291,3 tỷ đồng, phần lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 277,6 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Du lịch Ninh Vân Bay (NVT), 6 tháng đầu năm nay, doanh thu tăng 26,8%, lợi nhuận gộp tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng 2,7 lần, cùng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 9,1 lần, chủ yếu do thanh lý các khoản đầu tư vào công ty liên kết và trích lập dự phòng các khoản phải thu và đầu tư khác, khiến doanh nghiệp lỗ ròng 281,6 tỷ đồng.
Bên cạnh những doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận gộp tăng trưởng, nhưng phát sinh chi phí bất thường do phải trích lập dự phòng lớn cho các khoản đầu tư, kinh doanh trong quá khứ, khiến chi phí vượt quá lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính như OGC, NVT…, thì có nhiều doanh nghiệp thua lỗ là hệ quả của bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2017.
Chẳng hạn, tại Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) - doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong lĩnh vực cho thuê giàn khoan khai thác dầu khí tại Việt Nam hiện nay, giá dầu duy trì ở mức thấp khiến giá cho thuê giàn khoan giảm, thời gian làm việc cầm chừng và thu nhập không đủ bù đắp chi phí. 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của PVD âm 273 tỷ đồng, trái ngược với con số lãi ngàn tỷ đồng 2 năm trước.
Hay tại Công ty cổ phần Dabaco Việt Nam (DBC) và Công ty cổ phần Chăn nuôi - Mitraco (MLS), giá thịt lợn giảm sâu trong nửa đầu năm 2017 khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp mang dấu âm (lỗ) so với những con số tăng trưởng tích cực cùng kỳ năm 2016.
Theo lãnh đạo DBC, quý II/2017 là giai đoạn khó khăn nhất của ngành chăn nuôi nói chung, DBC nói riêng. Giá bán lợn hơi và thức ăn chăn nuôi xuống thấp, người chăn nuôi không dám tái đàn, ảnh hưởng đến giá bán và sức tiêu thụ con giống.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc (HKB), 6 tháng đầu năm 2017, giá hồ tiêu - mặt hàng kinh doanh chính của Công ty, giảm còn 85.000 đồng/kg, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong khi trung bình nửa đầu năm 2016 là 180.000 đồng/kg, khiến doanh thu giảm 68,2%, cộng với trích lập giảm giá hàng tồn kho, đẩy giá vốn tăng mạnh, nên lợi nhuận sau thuế là con số âm.
Thua lỗ không phải là tất cả
Kinh doanh thua lỗ cho thấy, doanh nghiệp đã có một kỳ hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần phản ánh kết quả kinh doanh trong một kỳ kế toán, phía sau con số thua lỗ còn là những câu chuyện riêng về đặc thù kinh doanh, quản trị, điều hành, phương pháp hạch toán kế toán… và chính điều đó quyết định khả năng để doanh nghiệp thoát lỗ, phục hồi lợi nhuận trong tương lai, cũng như hành động của nhà đầu tư trên thị trường.
Ngoại trừ một số trường hợp doanh nghiệp cố tình hạch toán thua lỗ, phục vụ cho những tính toán nhất định, thì thua lỗ trong kinh doanh là điều không doanh nghiệp nào muốn xảy ra, nhưng lại khó tránh khỏi trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, nhiều bất ngờ như hiện nay.
Nếu chỉ phản ánh khó khăn của doanh nghiệp trong một giai đoạn, thời điểm nhất định…, thì nhiều nhà đầu tư không quá lo ngại, thị giá cổ phiếu nhanh chóng tìm được điểm cân bằng, thậm chí giá vẫn tăng, dù doanh nghiệp báo lỗ.
Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) là một ví dụ. Quý II/2017, TDC ghi nhận lỗ sau thuế 60,6 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 7 năm qua, đưa lỗ lũy kế nửa đầu năm lên 74,4 tỷ đồng, nhưng trên thị trường, hòa chung với “con sóng” cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản, thị giá cổ phiếu TDC vẫn tăng hơn 20% từ cuối tháng 7 đến nửa đầu tháng 8/2017.
Một cổ đông lâu năm của TDC chia sẻ, anh không quá bất ngờ khi doanh nghiệp báo lỗ. “5 năm gần đây, TDC năm nào cũng báo lỗ nửa đầu năm, nhưng sau đó hạch toán lợi nhuận đột biến trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là quý IV, qua đó hoàn thành kế hoạch và chi trả cổ tức đều đặn”, anh nói và cho rằng, cách hạch toán doanh thu, chi phí của doanh nghiệp có những đặc thù nhất định và tin tưởng “kịch bản” những năm trước sẽ lặp lại trong 2017 nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.
Không lạc quan như TDC hay HDG, khi biến động lãi /lỗ thể hiện rõ nét ở tính chu kỳ kinh doanh, nhưng nhiều cổ đông tại DBC, MLS, BCC, SJC… cho biết, vẫn có sự tin tưởng nhất định, khó khăn chỉ mang tính thời điểm, kết quả kinh doanh sẽ sớm khả quan trở lại.
Tại PVD, kịch bản thoát lỗ và hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2017 khó trở thành hiện thực, nhưng không ít nhà đầu tư chia sẻ, với giá trị tài sản cố định lớn là các giàn khoan chất lượng cao, kinh nghiệm dồi dào của đội ngũ nhân sự, tên tuổi, thương hiệu cũng như sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, họ vẫn kỳ vọng về viễn cảnh sáng trở lại của Công ty, bởi xu thế hồi phục của giá dầu mỏ được cho là tất yếu.
... Nhưng một số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản
Tuy nhiên, tại Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam - Vosco (VOS), Công ty cổ phần Cao su Quảng Nam (VHG), triển vọng không được tích cực như vậy, khi tình trạng thua lỗ kéo dài nhiều quý, không chỉ khiến tài sản, uy tín doanh nghiệp sụt giảm, mà niềm tin của nhà đầu tư cũng bị xói mòn.
Con số thua lỗ không chỉ cho biết khó khăn trong hoạt động, mà còn phản ánh nhiều vấn đề trong quản trị, định hướng điều hành của doanh nghiệp.
Tại VOS, trong quý II/2017, giá vốn vượt doanh thu khiến Công ty thua lỗ quý thứ 10 liên tiếp, lợi nhuận sau thuế âm 88,5 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế âm 172,2 tỷ đồng; tính đến 30/6/2017, khoản lỗ lũy kế lên tới gần 974,3 tỷ đồng, bằng 70% vốn điều lệ.
Trước đó, VOS lỗ ròng trong năm 2012 - 2013. Năm 2014, Công ty thoát lỗ thành công, nhưng không phải nhờ cải thiện hiệu quả hoạt động, mà nhờ lợi nhuận bất thường từ thanh lý 2 tàu đã hết khấu hao. Những tưởng việc bán tàu sẽ giúp giảm bớt chi phí, cân bằng được thu chi, góp phần cải thiện dòng tiền cùng giá dầu giảm sâu sẽ giúp VOS từng bước phục hồi, nhưng đến nay, tình hình hoạt động kinh doanh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Tại VHG, với 4 quý thua lỗ liên tiếp, báo cáo tài chính quý II/2017 như miếng ghép cuối cùng hoàn thiện bức tranh “không thể xấu hơn” của doanh nghiệp này, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh đã tạm ngừng và doanh thu là số 0 tròn chĩnh. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông VHG đã thông qua kế hoạch lỗ 200 tỷ đồng trong năm 2017. Với kết quả 6 tháng đầu năm, Công ty đã “hoàn thành” vượt mức kế hoạch.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đã từng trải qua thời kỳ khó khăn khiến công ty thua lỗ hàng trăm tỷ đồng chia sẻ, những cú “sốc” trên thị trường, ngoài ảnh hưởng tiêu cực, cũng mang ý nghĩa tích cực nhất định. Đó là sự thử thách khả năng phản ứng, nội lực của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận ra những yếu kém để kịp thời khắc phục, tái cấu trúc. Đây là điều khó thấy trong bối cảnh kinh doanh thuận lợi.
Ở góc độ nhà đầu tư, đầu tư vào doanh nghiệp trong giai đoạn thua lỗ, thị giá cổ phiếu xuống thấp có thể là cơ hội nếu hiểu rõ câu chuyện và tin tưởng vào triển vọng của doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, thua lỗ là tín hiệu cảnh báo rõ nét nhất về khó khăn, vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải, cũng như những rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt.