Vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, từ đầu năm 2012, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu để tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo, đôn đốc giải quyết những công tác quan trọng, mang tính liên ngành, lĩnh vực, các chương trình, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; chỉ đạo, điều phối thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu.
Nhờ đó, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đã có chuyển biến tích cực, công tác cảnh báo, dự báo thiên tai được quan tâm đầu tư, phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng cho yêu cầu chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bước đầu hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
"Mỗi bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân cần nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu để chủ động thích nghi, điều chỉnh, sống chung với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ yếu cầu."
Tuy nhiên, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại. Một số chính sách về biến đổi khí hậu chưa thực sự đi vào cuộc sống; dự báo về xu hướng, diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu chưa đúng mức, nhất là xu hướng thời tiết bất thường, cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu. Mỗi bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân cần nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu để chủ động thích nghi, điều chỉnh, sống chung với biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan chủ động rà soát, cập nhật, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải ít các-bon. Tập trung hoạt động ứng phó đa mục tiêu, đạt hiệu quả chi phí lợi ích; xây dựng cơ chế, thể chế ứng phó liên vùng, liên ngành, triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu có tính liên ngành, liên vùng. Chú trọng bảo vệ phát triển rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, cứu nạn, cứu hộ. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm mức phát thải khí nhà kính. Thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động phòng, tránh, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với các vùng ven biển, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành và địa phương sớm hoàn thiện cập nhật, công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến cấp xã trên cả nước Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch cấp nước sinh hoạt,… ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.