Với việc công bố này, chi phí của ADB cho chống biến đổi khí hậu sẽ tăng khoảng 30% của tổng mức tài trợ của ADB vào cuối thập kỷ này.
Công bố của ADB được đưa ra trong bối cảnh một cam kết từ các quốc gia phát triển nhằm huy động 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 để chống biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển.
Trong số 6 tỷ USD, 4 tỷ USD được dự kiến chi cho việc giảm nhẹ thông qua mở rộng hỗ trợ cho năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, giao thông bền vững và xây dựng các thành phố thông minh; 2 tỷ USD dành cho thích ứng thông qua các cơ sở hạ tầng có sức chống chịu tốt hơn, nông nghiệp thích ứng khí hậu và chuẩn bị tốt hơn cho các thảm họa liên quan đến khí hậu.
ADB đề xuất tăng gấp đôi tài trợ chống biến đổi khí hậu phản ánh các ưu tiên chiến lược, cũng như sự gia tăng khả năng tài chính tổng thể của ADB lên tới 50% do sử dụng hiệu quả hơn bảng cân đối tài sản của mình bằng cách kết hợp các vốn góp cho nguồn vốn thông thường với Quỹ Phát triển châu Á (nguồn vốn vay ưu đãi) vào năm 2017.
Khoản tài trợ bổ sung chống biến đổi khí hậu của ADB là một khoản tài trợ mới và phản ánh ưu tiên của Ngân hàng đối với lĩnh vực biển đổi khí hậu như một yếu tố phát triển quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Toàn bộ nguồn vốn gia tăng trong tài trợ chống biến đổi khí hậu sẽ được trích từ gói cho vay thương mại kết hợp giữa Quỹ Phát triển châu Á và Nguồn vốn vay thông thường được phê duyệt vào tháng Năm năm 2015. Gói tài trợ kết hợp này sẽ nâng tổng mức phê duyệt cho vay và viện trợ không hoàn lại hàng năm lên 50% tương đương với 20 tỷ USD vào năm 2017.
Khoản tài trợ mới này đánh dấu lần đầu tiên ADB phê duyệt một mục tiêu đầu tư rõ ràng dành cho biến đổi khí hậu.
Các quốc gia phát triển cam kết trong năm 2010 sẽ cung cấp 100 tỷ USD tài trợ hàng năm kể từ năm 2020 trở đi nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cho đến nay, chỉ khoảng 1/3 khoản cam kết này được cung cấp.
Châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là người nghèo tại khu vực này dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc và thảm họa môi trường do thiên tai gây ra. Tại đây có 1,6 tỷ người vẫn đang sống dưới mức 2 USD/ngày, hơn 60% dân số khu vực làm việc trong các ngành nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp - những ngành có nguy cơ cao nhất đối với biển đổi khí hậu.