Thủ tướng yêu cầu quyết định số phận dự án thép 8.000 tỷ đồng

Đội vốn lên gấp đôi sau gần 1 thập kỷ triển khai, dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên sẽ được quyết định trước tháng 7/2016: bán hay kêu gọi doanh nghiệp góp vốn, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.
Một phần công trường tan hoang của dự án nghìn tỷ (ảnh: VNN)
Một phần công trường tan hoang của dự án nghìn tỷ (ảnh: VNN)

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (dự án).

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện dự án.

Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra được các giải pháp, gồm phương án bán dự án, phương án bán Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án xử lý đối với dự án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2016.

Khởi động năm 2007 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 3.800 tỷ đồng, đến năm 2012, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 buộc phải dừng lại do thiếu vốn. Các biến động về giá nguyên vật liệu, tỷ giá, lãi vay, chính sách đất đai, thuế, trượt giá… đã dẫn đến tổng mức đầu tư dự án bị "đội" lên tới 7.871 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với phương án được phê duyệt.

Trong khi đó, nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đã rút về nước sau khi nhận hơn 90% chi phí cho phần thiết bị từ chủ đầu tư.

Tháng 3/2016, chủ đầu tư của dự án này là Tisco đề nghị tăng tổng mức đầu tư của dự án lên thành hơn 9.031 tỉ đồng song Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cổ đông lớn của dự án này đã không đồng ý.

Dự án được dự kiến tái khởi động vào 1/4/2016 và sẽ hoàn thành vào ngày 1/1/2018, nhưng cho đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Giữa các bộ ngành và các bên liên quan hiện vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau về việc xử lý tiếp dự án này.

Theo quan điểm của Bộ Công thương, việc tháo gỡ khó khăn một cách tổng thể cho dự án là rất cần thiết, bởi khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo ra hơn 1.300 việc làm mới, tạo ra giá trị sản phẩm gia tăng trên 1.412 tỷ đồng/năm và đóng góp cho ngân sách trên 779 tỷ đồng/năm.

Đại diện Ban lãnh đạo VNSteel, đơn vị đang nắm 42,11% vốn điều lệ Tisco cũng lo ngại, nếu dừng dự án sẽ để lại hậu quả khó lường cho Tisco, kéo theo là VNSteel và các ngân hàng cùng hàng loạt hệ lụy khác.

Cụ thể, việc dừng dự án sẽ khiến chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với một vụ kiện quốc tế của nhà thầu Trung Quốc đi kèm khoản tiền đền bù lớn... Tuy nhiên, nếu tiếp tục dự án thì Nhà nước có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Do đó, theo VNSteel, cần có phương án cho phá sản hay tái cơ cấu, để các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực nhảy vào giải cứu dự án.

Mới đây (tháng 4/2016), Bộ Tài chính đã thẳng tay bác hàng loạt đề nghị của Bộ Công Thương về việc khoanh nợ gốc, miễn 100% lãi vay trong thời gian dự án dừng thi công từ tháng 7/2012 đến hết tháng 3/2016, với số tiền ước tính khoảng 386 tỷ đồng cùng hàng loạt ưu đãi lãi suất khác.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng từ chối việc cho dự án này hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu với các loại vật tư, thiết bị công cụ, dụng cụ còn lại cho giai đoạn thi công tiếp theo của dự án với số tiền khoảng 65,5 tỷ đồng; được miễn thuế nhà thầu khoảng 133 tỷ đồng... Bởi theo Bộ Tài chính, những ưu đãi này vượt khung quy định, không đủ cơ sở.


Theo Dân trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục