Cuối phiên họp sáng 22/7, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng cho biết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Đồng thời, tiếp tục kế thừa, ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo khóa XIV nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số Bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số Bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
"Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, giải quyết an sinh xã hội, ổn định đời sống, an toàn cho Nhân dân, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra; đồng thời, căn cứ kết quả công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ đã được Quốc hội đánh giá chung tại Nghị quyết số 161/2021/QH14, việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, phù hợp", Thủ tướng trình bày với Quốc hội.
Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 1108-CV/VPTW ngày 23/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, đã chỉ đạo ‟trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV”, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khoá XIV có 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, Thủ tướng báo cáo.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV đã được Chính phủ khóa XIV chuẩn bị kỹ lưỡng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ tuy là giữ ổn định từ nhiệm kỳ khóa XII, nhưng trong nhiệm kỳ khóa XIV, các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện cả về quy mô, phạm vi quản lý để bảo đảm bao quát tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ đã từng bước được sắp xếp tinh gọn; việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương cơ bản hợp lý hơn; nhiều nội dung quản lý nhà nước có sự chồng chéo, trùng lặp, giao thoa giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được khắc phục, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Những kết quả này đã được Quốc hội khóa XIV ghi nhận, đánh giá cao.
Ủy ban Pháp luật nhất trí phương án giữ cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, ông Tùng cho biết.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm việc “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền” cần gắn với các điều kiện bảo đảm thực hiện, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đề cao trách nhiệm của các bộ, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền.
Vấn đề này còn liên quan chặt chẽ đến các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do vậy, đề nghị Chính phủ lưu ý chỉ đạo rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, cơ quan thẩm tra lưu ý.
Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.