Cuối tháng 7, Quốc hội nhiệm kỳ mới dành 6 ngày làm công tác nhân sự

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV dự kiến Quốc hội làm việc trong 11 ngày, khai mạc vào thứ Ba, ngày 20/7 và bế mạc vào ngày 3/8/2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận chiều 27/4. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận chiều 27/4.

Tiếp tục phiên họp thứ 55, chiều 27/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp này, dự kiến Quốc hội làm việc trong 11 ngày, khai mạc vào thứ ba, ngày 20/7 và bế mạc vào ngày 3/8/2021.

Trong 11 ngày sẽ dành 6 ngày xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Cụ thể, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm nhà nước.

Kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội cũng quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Chương trình kỳ họp thứ nhất còn có việc xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.

Tại kỳ họp này, Quốc hội còn xem xét, quyết định: kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, ông Cường cho biết, Luật Ngân sách Nhà nước (Điều 17) quy định kế hoạch tài chính 5 năm làm cơ sở để Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn, Luật Đất đai (Điều 38) quy định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một trong những căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Theo đó, tại kỳ họp thứ nhất cũng cần phải quyết định 2 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 trước khi quyết định 2 kế hoạch đầu tư công trung hạn và sử dụng đất quốc gia của cùng giai đoạn này. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã xem xét kết quả thực hiện 3 kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 (phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn); đồng thời cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự kiến các kế hoạch về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trong trường hợp không kịp chuẩn bị các nội dung, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho chuyển các kế hoạch 5 năm sang trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), ông Cường báo cáo.

Sau khi Thường vụ thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tổng thời gian của kỳ họp thứ nhất sẽ xác định sau, nhưng các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 cần được khẩn trương chuẩn bị để đưa vào chương trình kỳ họp này chứ không thể lùi sang kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá XV mới quyết định.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục