Trong hai ngày 11 và 12/11, Quốc hội đã tiến hành chất vấn ba vị trưởng ngành là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về một số nội dung trong lĩnh vực quản lý của ba vị này.
Cuối mỗi phiên chất vấn, những bộ trưởng có vấn đề phụ trách liên quan và phó thủ tướng phụ trách cũng được yêu cầu trả lời chất vấn.
Cuối giờ chiều 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đất nước cần những công trình chiến lược có tính chất "xoay chuyển tình thế"
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề, theo đề xuất của Thủ tướng, sắp tới nhiều dự án quan trọng quốc gia sẽ được triển khai thực hiện nếu được Quốc hội thông qua như năng lượng hạt nhân, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhiều dự án quan trọng khác.
"Xin Thủ tướng cho biết giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng của quốc gia như kỳ vọng của Quốc hội và nhân dân?", đại biểu chất vấn Thủ tướng.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta hiện nay phải bứt phá, phải tăng trưởng mà một trong những yêu cầu là phải phát triển hạ tầng chiến lược (bao gồm hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm...).
Mặt khác, chúng ta biết, đầu tư là một trong những động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) đang cần phải tập trung huy động nguồn lực, trong đó có đầu tư cho các công trình lớn của quốc gia.
|
Đại biểu Phạm Văn Hoà |
Theo Thủ tướng, quá trình đầu tư phải tạo ra sự đột phá. Đó là những công trình mang tính chiến lược, mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không phải chỉ bình bình như hiện nay.
Ví dụ như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc kết nối với Trung Quốc, hay như về hạ tầng điện vừa qua Chính phủ đã đề xuất khởi động lại các dự án liên quan đến năng lượng hạt nhân, năng lượng gió ngoài khơi,...
"Đây là những dự án cần nhiều nguồn lực và dù nguồn lực nào thì chúng ta cũng phải hoàn thiện thể chế", Thủ tướng nói về giải pháp đầu tiên.
Thứ hai, phải có cơ chế huy động nguồn lực, bao gồm nguồn của Nhà nước, của địa phương, đi vay, nguồn lực hợp tác công tư,...
Thứ ba, chúng ta phải đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, quản trị.
Nêu ví dụ, đầu nhiệm kỳ chúng ta băn khoăn về nguồn lực làm sao xây dựng được hệ thống đường cao tốc. Từ khi bắt đầu xây dựng hệ thống đường cao tốc năm 2.000 đến năm 2021 bùng phát dịch Covid-19, chúng ta mới hoàn thành được khoảng gần 1.000 km đường cao tốc.
Khi đó chúng ta băn khoăn nguồn lực thế nào để trong vòng 3 năm làm gấp đôi số chúng ta đã làm 20 năm; nhưng được sự chỉ đạo của Đảng, của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư, ủng hộ của Quốc hội, chúng ta huy động nguồn lực của Trung ương, địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, không dàn trải, từ 12.000 dự án rút chỉ còn có hơn 4.000 dự án thì mới làm được.
"Như vậy, nguồn lực phải tập trung và xóa việc dàn trải để đầu tư có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái là như vậy", Thủ tướng nói và nhấn mạnh mong muốn Quốc hội ủng hộ cho các dự án lớn trình Quốc hội, cụ thể là trong nhiệm kỳ này đang trình đường sắt cao tốc Bắc Nam và mở rộng sân bay Long Thành giai đoạn 2.
Xử lý các dự án yếu kém với phương châm trách nhiệm của ai người đó làm
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP. Đà Nẵng) nêu vấn đề chống lãng phí là chủ đề được Đảng và Nhà nước đặt ra cấp bách hiện nay. Trong đó, việc xử lý các dự án chậm tiến độ là giải pháp quan trọng để chống lãng phí.
Thời gian qua, cử tri đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua việc xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm ở Trung ương và các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng cũng như các tổ chức tín dụng yếu kém và đã có nhiều kết quả tích cực.
"Tuy nhiên, còn một số dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém vẫn chưa được xử lý. Đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp, nhất là giải pháp về cơ chế và tiến độ trong thời gian tới như thế nào?", bà Thuý chất vấn.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý |
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết, vừa qua có nhiều dự án tồn đọng kéo dài. Trong báo cáo Chính phủ cũng đã trình bày, nhờ sự nỗ lực của Bộ Chính trị, của Quốc hội và của Chính phủ, đến giờ 12 đại dự án tồn đọng, kéo dài của Bộ Công thương cơ bản đã xin chủ trương xong của Bộ Chính trị.
Sau khi rà soát, đánh giá, xin cơ chế, chính sách và Bộ Chính trị đồng ý, trên cơ sở đó Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Còn việc nào vượt nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ thì Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội, xin ý kiến Quốc hội.
Áp dụng kinh nghiệm đó, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục vận dụng để xử lý những dự án còn lại.
"Chúng ta rà soát lại xem còn dự án nào tương tự như thế thì xử lý luôn trên tinh thần tôn trọng hiện trạng. Hiện trạng đã thất thoát, đã mất mát, ai vi phạm đã xử lý; nhưng bây giờ nếu pháp luật đang vướng thì chúng ta phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc của pháp luật theo thẩm quyền", Thủ tướng nói.
Theo hướng như vậy, Thủ tướng Chính phủ cho rằng chúng ta sẽ xử lý được, thẩm quyền của ai thì người đó phải làm, như tinh thần đã xử lý 12 dự án của Bộ Công thương và đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, mỏ khí Lô B, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình,...
Về ngân hàng yếu kém, Thủ tướng cho biết có 4 ngân hàng như vậy, vừa rồi đã chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng còn 2 ngân hàng đang làm. Đối với vụ việc ở ngân hàng lớn SCB thì tinh thần chỉ đạo là làm sao cho an toàn hệ thống, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, kiểm soát chặt chẽ tài sản không để cho thất thoát, rồi có lộ trình thực hiện cho phù hợp.
Phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV/2024 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%
Trước đó, trình bày báo cáo trước phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng đầu năm, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%;
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng.
Về giải ngân vốn đầu tư công đang chậm, 10 tháng đầu năm giải ngân mới đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), Thủ tướng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo: Khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật, tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên; đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém... để xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa; do đó Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện. Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...