Theo cập nhật mới của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành Công thương đang có những chuyển biến mới.
3 dự án phân đạm sản xuất, kinh doanh có lãi
Đối với 3 dự án sản xuất phân bón của Vinachem gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Bộ Chính trị cũng đã có văn bản đồng ý về chủ trương các biện pháp cơ cấu lại nợ vay đối với 3 dự án, doanh nghiệp này theo đề nghị của CMSC.
Bước đầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của 03 dự án, doanh nghiệp này đã có nhiều kết quả tích cực. Các doanh nghiệp đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.
Với Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, công ty duy trì chạy máy an toàn, ổn định, liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả cao. Năm 2022, hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt cao nhất từ trước tới nay với lợi nhuận thực hiện là 1.779 tỷ đồng (tăng lãi 1.770 tỷ đồng so với kế hoạch ĐHĐCĐ thông qua và tăng lãi 1.773 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình đã duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả trong vận hành hệ thống máy móc thiết bị với phụ tải cao, cơ bản chủ động được vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, trả được bớt nợ cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và các ngân hàng, không phải phụ thuộc vào khách hàng để ứng vốn trước mua vật tư sản xuất.
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp Đạm Ninh Bình đạt 6.009 tỷ đồng, bằng 134% so với kế hoạch năm và bằng 150% so với thực hiện năm 2021; Tổng doanh thu ước đạt 6.039 tỷ đồng, bằng 135% với kế hoạch năm và đạt bằng 148% so với thực hiện năm 2021; ước lãi 928 tỷ đồng, tăng lãi 856 tỷ đồng so với kế hoạch năm và tăng lãi 985 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã cơ bản thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và kiểm soát hiệu quả các định mức so với kế hoạch, qua đó duy trì ổn định hoạt động.
Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 đạt lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, giảm lỗ 317 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022 và giảm lỗ 128 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Gang thép Thái Nguyên có chuyển biến mới
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - Tisco 2 được coi là một trong những dự án khó xử lý nhất trong số 12 dự án, doanh nghiệp, nhưng công tác xử lý các tồn tại, vướng mắc của Dự án hiện có nhiều tiến triển.
Từ ngày 14 - 24/10/2022, Tập đoàn Khoa học công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã cử đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại Việt Nam để khảo sát, đánh giá, trao đổi với các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp liên quan của Việt Nam về Dự án này, lần đầu tiên hai bên đã cùng khảo sát, tiếp cận trên thực tế đối với các máy móc, thiết bị đã tập kết tại hiện trường.
Cùng với đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc của Đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ ngày 13-19/3/2023, các bên liên quan của Dự án Tisco 2 đã tiến hành rất nhiều phiên đàm phán. Kết thúc đàm phán, hai bên đã ký kết biên bản làm việc, trong đó đưa ra các nguyên tắc xử lý cơ bản; đề xuất của MCC về phương hướng giải quyết và đặc biệt là kế hoạch kiểm tra, đánh giá thiết bị với các mốc thời gian biểu cụ thể…, làm cơ sở để triển khai các bước đi tiếp theo.
"Đây là bước tiến quan trọng sau 7 năm đàm phán trước đó giữa Tisco và MCC mà không ký kết được bất kỳ văn bản nào", CMSC đánh giá.
Trên cơ sở kết quả đàm phán tại Bắc Kinh, cuối tháng 3/2023, đoàn chuyên gia của MCC đã sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá thiết bị, công trình tại hiện trường, làm cơ sở để đề xuất phương án khôi phục Dự án Tisco 2.
Đến ngày 25/4/2023, Đoàn chuyên gia MCC đã gửi Tisco bản báo cáo kết quả đánh giá và đề xuất sơ bộ đối với phương án xử lý tiếp theo đối với Dự án Tisco 2.
Tisco 2 là dự án đầu tư trọng điểm do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) làm chủ đầu tư nhưng đã tồn đọng, kéo dài gần 17 năm vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho nhà nước và doanh nghiệp.
Dự án khởi công từ năm 2007, có tổng mức đầu tư ban đầu 3.843 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 8.100 tỷ đồng. Hiện dự án đã thanh toán hơn 95% số tiền cho các nhà thầu, mua sắm thiết bị, với tổng số tiền hơn 4.400 tỷ đồng. Thực tế, gói thầu đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.
Danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công thương gồm:
4 dự án sản xuất phân bón (Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai).
3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (các Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học: Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bình Phước).
2 dự án sản xuất thép (Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và xây dựng Nhà máy gang thép Lào Cai - Nhà máy Thép Việt Trung; Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên).
1 dự án sản xuất xơ sợi polyester (Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ - PVTex).
1 dự án đóng tàu (Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất - DQS).
1 Dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu giấy - Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam. Hiện nay dự án này vẫn đang do Tổng công ty Giấy Việt Nam thuộc Bộ Công Thương chủ trì xử lý.