Chiều nay, 31/5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2019.
Phiên họp Chính phủ diễn ra ngay sau khi Quốc hội kết thúc Phiên thảo luận toàn thể về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước vào trưa nay mà theo Thủ tướng, “chúng ta đã nghe Quốc hội đặt ra những vấn đề của đất nước ở khía cạnh này khía cạnh khác, địa phương này địa phương khác, nhưng nhìn chung đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ”.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nêu ra các mặt tồn tại, bất cập, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ “nghiêm túc lắng nghe, nghiêm túc sửa chữa, nghiêm túc làm việc để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”, chứ không phải họp xong, thảo luận xong tại Quốc hội mà không có hành động gì đối với một số công việc thuộc phạm vị trách nhiệm của chúng ta.
Về tình hình trong tháng qua, trước hết, Thủ tướng nêu ra 2 việc đáng khen ngợi, là tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019 với sự tham gia của trên 3.000 đại biểu đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, thể hiện một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển. “Chúng ta chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội với trách nhiệm cao”, Thủ tướng nêu tiếp.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở một số việc như triển khai thủ tục chậm, ban hành chậm một số văn bản. Theo Thủ tướng, cần tổng hợp danh sách các bộ, ngành làm tốt và không tốt, làm chậm trễ để đưa ra phiên họp Chính phủ để thẳng thắn phê bình. Bên cạnh đó, có một số vấn đề chưa rõ trách nhiệm, đòi hỏi phải quán xuyến từ đầu đến cuối công việc có liên quan, “làm ngày làm đêm chưa hết việc chứ nói làm túc tắc".Vấn đề nữa Thủ tướng lưu ý là những tiến bộ khoa học công nghệ mới chậm đưa vào cuộc sống.
Đối với tình hình kinh tế-xã hội thời gian tới, Thủ tướng nhắc, cần chú ý vấn đề bên ngoài khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo một số dự báo, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm. Trong quý I/2019, thương mại toàn cầu chỉ tăng 0,75%. Chỉ số thương mại hàng hóa thế giới ở mức 96,3, thấp nhất kể từ năm 2010.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung diễn biến khó lường và OECD nhận định, nếu tiếp tục kéo dài và Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì GDP của Mỹ có thể giảm 0,6%, của Trung Quốc giảm 0,8%, thương mại toàn cầu giảm 1% và GDP toàn cầu giảm 0,4%.
Vấn đề nữa là rủi ro tỷ giá, lãi suất, bất ổn thị trường tài chính, tiền tệ, trong đó, tỷ giá nhiều đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh. Giá dầu thô và một số hàng hóa tiếp tục xu hướng biến động mạnh, lúc lên lúc xuống thất thường. “Tất các những điều đó cùng với tình hình trong nước, làm chúng ta phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nêu rõ, qua thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đặt vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.
Chúng ta cần chú trọng văn hóa hơn, nếu phát triển kinh tế mà không chú trọng vấn đề văn hóa thì đến một lúc nào đó, kinh tế sẽ dừng lại do yếu tố văn hóa tác động, nhất là đạo đức, phẩm chất, môi trường sống, quan hệ xã hội khác… Thời gian qua, trong tam giác phát triển “kinh tế, xã hội, môi trường” thì kinh tế được tập trung, môi trường được chú trọng nhưng vấn đề văn hóa chưa được tập trung cao của hệ thống cấp ủy, chính quyền. Thủ tướng lưu ý cần quan tâm hơn nữa vấn đề này.
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, Thủ tướng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế nhìn nhận Việt Nam là nước “sáng nhất” trong nhóm các nước đang phát triển như Standard Chartered dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 7 nền kinh tế có tăng trưởng 7% tới năm 2030. Tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch nâng triển vọng kinh tế Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực"…
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thảo luận về một số tồn tại, thách thức như phòng chống dịch tả lợn châu Phi, một vấn đề khá trầm trọng hiện nay, không thể chủ quan. Nếu dịch tả châu Phi ảnh hưởng đến 30% đàn lợn thì tăng trưởng trong nông nghiệp là bằng 0; nếu ảnh hưởng đến 50% thì nông nghiệp sẽ bị âm. Xuất khẩu một số lĩnh vực tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện, “tháng 6 rồi mà tình trạng như này thì gay go”, Thủ tướng băn khoăn. Một số danh mục công trình có tiến độ chậm.
Bên cạnh đó, cần chú ý nhiều hơn một số vấn đề như kỳ thi THPT sắp tới thế nào để tránh tồn tại vấp phải, vấn đề phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số, bảo vệ môi trường, rác thải nhựa. Thủ tướng cho rằng, các địa phương cần phát động về chống rác thải nhựa, “phải làm mạnh hơn, không bàn chung chung nữa”.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có chuyển biến tích cực (trừ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn). Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua. Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người (cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu lượt), tăng 8,8%.
Đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục khởi sắc, đưa nước ta trở thành một điểm đến đầu tư đáng tin cậy. Vốn FDI thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng hơn 27%.
Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI. Gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký; có gần 20.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng trên 48%.