Mong muốn có nhiều, thật nhiều doanh nghiệp như Viettel!
Ở phần đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến việc, một số lãnh đạo Chính phủ có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay đã có lần đến thăm Viettel trong vài năm gần đây. “Hôm nay trở lại, chúng tôi đều vui mừng và chia sẻ với các đồng chí những thành tựu đột phá đã đạt được trong 30 năm để trở thành một tập đoàn viễn thông, công nghiệp, công nghệ lớn nhất Việt Nam”.
Thủ tướng cũng điểm lại một vài điểm nổi bật trong quá trình phát triển của Viettel: “Viettel là một trong số rất ít doanh nghiệp Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế và có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn hàng đầu thế giới khi đang sở hữu quy mô đầu tư ra nước ngoài trên 10 quốc gia ở 3 châu lục; trong đó, Viettel giữ vị trí số 1 ở 5 quốc gia”.
Còn thế giới ghi nhận vị trí của Viettel với: Top 15 công viễn thông lớn nhất toàn cầu về thuê bao, Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu. Năm 2019, tổ chức uy tín (Brand Finance) đánh giá thương hiệu Viettel giá trị 4,3 tỷ USD, thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới và đứng số 1 Việt Nam. Viettel cũng là một trong số những doanh nghiệp đi đầu trên thế giới về thử nghiệm công nghệ 5G.
Về hiệu quả kinh doanh, với doanh thu hơn 10 tỷ USD/năm, lợi nhuận hàng năm đạt khoảng 40.000-45.000 tỷ đồng trước thuế, Viettel nộp ngân sách 35-40.000 tỷ đồng/năm.
“Điều này là minh chứng sống động cho hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực trọng yếu, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đánh tan quan niệm doanh nghiệp Nhà nước khó có thể làm ăn hiệu quả” – Thủ tướng phát biểu. Ông còn nhấn mạnh thêm: “Nó cho thấy bài học, cho dù là doanh nghiệp trong thành phần kinh tế nào thì con người, quản trị là mấu chốt của thành công.”
Với những hiệu quả mà Viettel đạt được, Thủ tướng chia sẻ: “Đảng và Nhà nước mong muốn có nhiều, thật nhiều doanh nghiệp như Viettel”.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, Thủ tướng còn nhận xét thêm: không có một doanh nghiệp nào vừa làm tốt nhiệm vụ kinh tế, vừa làm tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng như Viettel. Tập đoàn đã làm chủ công nghệ đối với các thiết bị, khí tài quân sự, sản xuất nhiều vũ khí hiện đại đưa vào trang bị trong quân đội, được đánh giá là chất lượng tương đương với nước ngoài, thậm chí là có tính năng, kỹ thuật vượt trội, phù hợp khả năng tác chiến của quân đội Việt Nam.
Những trang thiết bị đó đã từng bước được đưa vào sử dụng, giúp tiết kiệm hàng trăm triệu USD ngoại tệ cho đất nước. Quan trọng hơn, điều này giúp đảm bảo an ninh quốc phòng, không bị lệ thuộc công nghệ nước ngoài, chủ động trong các tình huống.
Trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Viettel chủ động đón đầu xu hướng, thúc đẩy Chính phủ điện tử và các loại hình kinh tế phát triển, nhất là kinh tế số.
Thủ tướng biểu dương: “Viettel đã thể hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt, giúp truyền cảm hứng và tạo ra sự tự tin cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư phát triển công nghệ mới, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư ra nước ngoài”.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ nhận xét: “Các đồng chí là minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên, xây dựng Tập đoàn trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, xứng đáng là một hiện tượng, một niềm tự hào của Việt Nam”.
30 năm nữa, Viettel sẽ ra sao?
Người đứng đầu Chính phủ có nhắc đến một chi tiết khi ông đến thăm Viettel: “Tôi thấy treo nhiều khẩu hiệu trong hội trường, ngoài hành lang, nhà làm việc”. Tuy nhiên, Thủ tướng nhận xét: “Đó là những triết lý hết sức sâu sắc, toát lên bản sắc văn hoá, tinh thần làm việc, thái độ và khát vọng của Viettel”.
Ông cũng cho rằng, văn hoá, triết lý, tinh thần Viettel là sức mạnh của Tập đoàn này. “Đây tưởng chừng là điều không liên quan đến kinh tế và sản xuất kinh doanh nhưng thực ra lại là nền tảng thành công của người muốn đi đường xa, phát triển bền vững”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Viettel trong việc không ngừng gây dựng, bồi đắp văn hoá “luôn nhận việc khó, thách thức cao, cách tiếp cận khác biệt, sáng tạo”, và “luôn tạo cơ hội nghề nghiệp và phát triển tài năng cho mọi thành viên, trở thành một trong những môi trường làm việc đáng mơ ước ở Việt Nam”. Ông nhận xét: “Viettel là địa điểm hội tụ và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT và công nghệ cao. Đội ngũ cán bộ công nhân viên là tài sản quý giá nhất, là sức mạnh của Tập đoàn Viettel”.
Trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng đặt ra câu hỏi: “10-20-30 năm nữa, Viettel của chúng ta sẽ như thế nào? Đâu sẽ là cốt lõi của Viettel trong tương lai?”. Và ông cũng đưa ra nhận xét của mình: “Tôi cho rằng đó là công nghệ!”.
Nhắc lại thông điệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019 mới diễn ra, Thủ tướng nói: “Chúng ta đã xác định công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển”.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong thời gian tới, Việt Nam không chỉ hấp thụ để làm chủ công nghệ, tích luỹ năng lực mà còn cần phát minh, sáng chế ra công nghệ. “Đó là con đường duy nhất, tất yếu dẫn đến một quốc gia hùng cường”, ông nói.
Và bổ sung: “Chưa khi nào mà công nghệ lại có thể tạo ra các mô hình hoàn toàn khác biệt với truyền thống như lúc này. Chưa khi nào mà chúng ta có thể nhìn thấy cơ hội để đưa đất nước bứt phá như lúc này”.
Rồi Thủ tướng nói: “Với sự tự tin dành cho các đồng chí, Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Viettel đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4”.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu mô hình kinh doanh và quản trị của Viettel để có thể nhân rộng: “Chúng ta phải làm sao để Việt Nam có nhiều Viettel hơn nữa, nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước có sức mạnh, có hiệu quả như Viettel”.
Trước khi kết thúc, Thủ tướng nhắc lại lời của Quyền Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng vừa phát biểu trước đó: “Những năm tháng tốt đẹp nhất, vóc dáng vĩ đại nhất, kỳ tích lớn lao nhất của Viettel vẫn đang chờ được tạo nên ở phía trước”, và khẳng định “Đảng, Nhà nước, Quân đội cùng chung niềm tin với Viettel".