Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Văn bản sai sót thì Bộ trưởng chủ trì phải chịu trách nhiệm

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thành viên Chính phủ tại phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật ngày 23/6.      
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Báo cáo về tình hình ban hành băn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về dự thảo các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh; thực thi Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp, cụ thể là: dự thảo Nghị định quy định về điều kiện, thủ tục thành lập cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; dự thảo Nghị định quy định chi tiết và thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định về thuế; dự thảo Nghị định quy định điều kiện để hoạt động kinh doanh các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; dự thảo Nghị định quy định về điều kiện hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông; dự thảo Nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

Chính phủ cũng xem xét và thảo luận về các dự thảo Nghị định liên quan đến các luật khác có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, cụ thể là: Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành Luật An toàn thông tin mạng về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dự thảo Nghị định của Chính quy định bậc trình độ kỹ thuật nghề, điều kiện nâng bậc của công nhân quốc phòng. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để đảm bảo thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp… 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Văn bản sai sót thì Bộ trưởng chủ trì phải chịu trách nhiệm  ảnh 1

Chính phủ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật ngày 23/6 

 

Theo báo cáo tổng hợp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày tại phiên họp về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đến nay, đã ban hành 21 văn bản và còn 30 văn bản phải ban hành, trong đó, số văn bản đã trình Chính phủ là 26 văn bản, số văn bản chưa trình Chính phủ là 4 văn bản.

Về các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đến nay, đã trình Chính phủ 49 nghị định trong tổng số 50 nghị định cần ban hành.

Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, trong thời gian qua, tình hình và kết quả xây dựng, trình ban hành văn bản đã có chuyển biến rõ rệt. Về cơ bản, các bộ, cơ quan đã trình các văn bản quy định chi tiết theo tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Việc soạn thảo các văn bản đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số văn bản mặc dù được phép áp dụng thủ tục rút gọn nhưng vẫn bảo đảm thủ tục bắt buộc lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản.

Ý kiến phát biểu thảo luận của các thành viên Chính phủ nhất trí bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, không để “khoảng trống pháp lý”; bảo đảm chất lượng xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với quan điểm Chính phủ kiến tạo, công tác xây dựng thể chế có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh phải xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng hoan nghênh Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực thi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản; không phải chạy theo số lượng mà là phải là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điện kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới; các văn bản mặc dù được xây dựng theo quy trình rút gọn song không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng, không đưa y nguyên thông tư cũ, quy định cũ lên thành nghị định mới.

Đề cao vai trò của Bộ trưởng trong công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở “Văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”. Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện các dự thảo nghị định, bảo đảm tiến độ đề ra; cần tiếp tục cập nhật và công khai các dự thảo trên mạng, các phương tiện thông tin truyền thông để lắng nghe, kịp thời tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động liên quan.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhất là Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần quyết liệt vào cuộc, cùng các bộ, ngành để rà soát những điều còn bất cập của luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét.

Như Chính
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục