Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi
(ĐTCK) Diễn đàn Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Diễn đàn Euromoney đồng tổ chức đang diễn ra ngày hôm nay. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Diễn đàn có có sự tham dự của hàng loạt các tổ chức kinh tế, tài chính lớn trong nước và quốc tế, với nhiều chủ đề nóng hổi liên quan đến tình hình kinh tế của Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đưa ra nhiều nội dung quan trọng liên quan đến định hướng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn đến 2020 tới đây.
Theo đó, 9 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 6,5%, tổng vốn FDI giải ngân lên tới gần 10 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014,
Về môi trường kinh tế, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng cao tính thực thi, nâng cao chất lượng nhân sự và phát triển kết cấu hạ tầng. Năm 2016 hứa hẹn là năm sẽ diễn ra sự thay đổi rất mạnh về hoàn thiện các chính sách kinh tế nhằm đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu ngang bằng với Nhóm ASEAN4.
Về hợp tác đầu tư công - tư PPP, Thủ tướng cho biết, sắp tới sẽ công bố danh mục các dự án kêu gọi PPP trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước, hạ tầng đô thị lớn...
Về cổ phần hóa doan nghiệp nhà nước, qua hơn 20 năm thực hiện quá trình tái cơ cấu cổ phần hóa, số lượng DNNN đã giảm 90%, các DN hoạt động bình đẳng, và hầu hết đều phát triển về quy mô và kinh doanh có hiệu quả sau cổ phần hóa. 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã cổ phần hóa 350 DN, tiếp tục đẩy nhanh, mạnh quá trình này và sau đó sẽ niêm yết, đẩy mạnh quá trình niêm yết sau cổ phần hóa.
Về thị trường tài chính, theo Thủ tướng, Việt Nam đã và đang thay đổi các chính sách, sản phẩm… để phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là quy định liên quan đến sở hữu NĐT nước ngoài, tạo điều kiện cho NĐT nước ngoài tham gia.
"Diễn đàn hôm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Nhằm phát huy tốt nhất sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam khuyến khích các NĐT đến kinh doanh và đầu tư lâu dài tại VN. Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi", Thủ tướng khẳng định.
Việt Nam đủ sức chống chọi thách thức từ bên ngoài
Trong phần phát biểu Khai mạc Diễn đàn hôm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định Việt Nam hoan nghênh và sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư để ngày một đổi mới thể chế kinh tế, chính sách... đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng trực tiếp tham gia phần thảo luận theo chủ đề: "Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam".
Các diễn giả khác bao gồm ông Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Tập đoàn VinaCapital; ông Lê Phước Vũ, Chỉ tịch Tập đoàn Hoa Sen; ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Kiêm Tổng giám đốc SSI; ông Peter R Ryder - Indochina Capital Corporation, Eric Sidgwick.
Chủ đề này "nóng" ngay từ đầu khi tranh luận sôi động về quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài và bảo hộ DN trong nước.
Theo các diễn giả, Việt Nam cần thận trọng để đối mặt, vì hội nhập không chỉ có thuận lợi.
Bộ trưởng Vinh cho biết, Việt Nam đủ sức để chống chọi với những yếu tố thách thức từ bên ngoài, thậm chí có thể biến thách thức thành cơ hội. Năm 2015, GDP Việt Nam có thể tăng tối thiểu 6,53%.
Cũng theo Bộ trưởng, năm 2016, Việt Nam có thể sẽ ban hành chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ.
Một thông tin liên quan đến Coca Cola, theo ông Vinh, Coca Cola đã có lãi từ tháng 7 và cam kết sẽ có lãi từ nay trở đi.
Trong khi đó, ông Lê Phước Vũ cho rằng, các DN Việt Nam cần được có cơ chế để bảo vệ, đảm bảo cạnh tranh được với các DN nước ngoài trên chính thị trường nội địa.
Còn ông Trần Duy Hưng cho rằng, đây là cơ hội tốt để DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, vì Việt Nam đã hội tụ đủ các yếu tố mà 10 năm trước NĐT mơ ước.
Về quan điểm bảo hộ DN trong nước hay không, Bộ trưởng Vinh cho rằng: "Nếu chúng ta đóng cửa, Việt Nam sẽ mãi lạc hậu. Chúng ta phải mở cửa để tăng khả năng cạnh tranh và sẽ có những DN lớn mạnh từ đây. Tất nhiên, Việt Nam phải chuẩn bị, vì mở cửa là mở rộng thị trường, áp lực cạnh tranh sẽ tăng lên".