Hội thảo nhằm đề ra các biện pháp thực tế phục vụ cho công tác cải cách thủ tục hành chính của chính quyền cấp tỉnh để có thể giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp (DN) và người dân; đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước.
Đây là hoạt động trong khuốn khổ Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện do CIEM phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) thực hiện với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện hơn thông qua việc triển khai Nghị quyết 19/2015/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ.
Mục tiêu của Nghi quyết 19/2015 là giảm bớt các rào cản đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương, ở những nơi mà các DN vừa và nhỏ thường chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, các nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết 19/2015 là cần thực hiện 3 đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, gồm DN nhà nước, đầu tư công, các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu nông nghiệp.
Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu quan trọng là cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN... Nếu thực hiện tốt được các mục tiêu này, Nghị quyết 19 sẽ là một bước tiến rất lớn, quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Ông Cung cũng đưa ra 8 chỉ số môi trường kinh doanh, bao gồm toàn bộ chu trình kinh doanh nhằm xác định những thách thức trong thủ tục hành chính ở cấp địa phương, cũng như xây dựng các giải pháp thực tế để giải quyết các thách thức này.
Các chỉ số này gồm, chỉ số khởi sự kinh doanh; cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; nộp thuế; giao dịch thương mại qua biên giới; đăng ký quyền sở hữu tài sản; giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản DN.
Tiếp lời ông Cung, bà Nguyễn Minh Thảo, CIEM cho biết, Nghị quyết 19 đặt ra 10 chỉ tiêu đến hết năm 2016, thời gian cấp phép xây dựng tối đa không quá 77 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 35 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 14 ngày; tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm; thời gian xuất khẩu xuống dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu dưới 12 ngày; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 200 ngày; thời gian giải quyết thủ tục phá sản DN xuống còn tối đa 24 tháng.
Một trong những giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra taị hội thảo là đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp dịch vụ công, kể cả một số dịch vụ quản lý nhà nước; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, chuyển sang hoạt động theo cơ chế DN; tăng cường cổ phần hóa… đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai đồng bộ cơ chế một cửa, một cửa liên thông…
Bà Laura McKechnie, Phó giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và quản trị Nhà nước cho biết, Việt Nam cần tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh; qua đó, sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài.
"Tôi cho rằng, đây là mục tiêu quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp cho sự tăng trưởng của Việt Nam trở nên toàn diện hơn và nền quản trị trở nên có trách nhiệm giải trình hơn đối với người dân", bà Laura McKechnie nói.