Thủ tướng: Khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường từ 14 FTA

0:00 / 0:00
0:00
Với 15 FTA đã ký kết, trong đó 14 FTA đã đi vào thực thi, Việt Nam phải triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các FTA mang lại.
Thủ tướng: Khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường từ 14 FTA

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Công Thương sáng 7/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương khi thực hiện thành công ”mục tiêu kép”, vừa phòng chống đại dịch Covid 19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.

Dẫn chứng của hoàn thành "mục tiêu kép", Thủ tướng nêu: "GDP tăng 2,91%, là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; xuất khẩu tăng ở mức cao, xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp; thị trường trong nước được đẩy mạnh, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân...".

Trong thành công chung của cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh, có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành Công Thương khi đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác đã đề ra và đạt được những kết quả, thành tích rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo dấu ấn nổi bật trong năm 2020.

Xuất siêu năm 2020 ghi nhận mức kỷ lục 19,1 tỷ USD. Mức xuất siêu năm 2020 cao hơn năm 2019 (10,87 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Năm 2020, Ngành Công Thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%, các nền tảng vĩ mô được bảo đảm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tái cơ cấu kinh tế đi vào chiều sâu.

Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.

Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đo, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Việc tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu đã được thực hiện hiệu quả hơn. Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, với Kế hoạch thực thi Hiệp định đã được xây dựng kỹ lưỡng từ trước đó, các Bộ ngành, địa phương, và đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện và đạt kết quả rất tích cực. Sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Dù vậy, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những bất cấp cần tập trung xử lý, khắc phục.

Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn nhiều hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường.

Đặc biệt, xuất khẩu vẫn dựa mạnh vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù tỷ trọng giá trị xuất khẩu của khối FDI đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.

Công tác theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập bước đầu đã có những đổi mới song vẫn còn những hạn chế. Sự chủ động và năng lực tham gia hội nhập của các doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực chưa cao. Trật tự thị trường mặc dù được tăng cường kiểm soát nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại (kể cả trên môi trường internet) vẫn còn diễn biến phức tạp

Xác định năm 2021, việc hoàn thành các chỉ tiêu còn nhiều khó khăn do tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường, Thủ tướng lưu ý ngành Công Thương cần tập trung vào các định hướng lớn trong triển khai nhiệm vụ.

Theo đó, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; Coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp. Chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ; tập trung đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo..

Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong thời gian tới theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.

Hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến 2045 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; Quy hoạch năng lượng quốc gia... đảm bảo tính liên tục, đồng bộ với mục tiêu đạt hiệu quả chung và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục