FTA không chỉ mang lại cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo giám sát chuyên đề:“Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên” đã phân tích rất sâu mọi vấn đề, trong đó có nhiều nguyên nhân chủ quan cần khắc phục.
Việc tham gia và thực thi các FTA đã góp phần giúp Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp. Trong ảnh: Nhà máy chế biến của Vinamit. Việc tham gia và thực thi các FTA đã góp phần giúp Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp. Trong ảnh: Nhà máy chế biến của Vinamit.

FTA không chỉ mang lại cơ hội

Tại phiên họp thứ 49 diễn ra chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề nêu trên. Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu khái quát, trong số 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, có 12 FTA thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 1/8/2020 không thuộc phạm vi giám sát của chuyên đề này.

Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.

Đánh giá của đoàn giám sát nêu rõ, qua 25 năm, việc tham gia và thực thi các FTA đã tác động Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá cao từ 6 đến 7%/năm, mở rộng xuất nhập khẩu, thu hút nguồn vốn FDI, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia,doanh nghiệp, tạo việc làm mới, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Tuy nhiên, đoàn giám sát cho rằng, việc tham gia các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội, mà kèm theo những rủi ro và thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể gây rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước. Các FTA cũng mang đến thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây, như lao động, công đoàn, môi trường.

Một trong những nguyên nhân chủ quan là hạn chế về nguồn lực và thiếu sự quan tâm thích đáng; các hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn về việc thực hiện các nội dung cam kết của FTA chưa bao phủ hoàn toàn các nhóm đối tượng liên quan. Sự kết nối và phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các bộ, ngành có liên quan trong quá trình thực thi các FTA còn chưa thực sự chặt chẽ.

Đội ngũ công chức của ngành tư pháp các cấp am hiểu về hội nhập kinh tế quốc tế còn mỏng, rất ít người được đào tạo bài bản và có trình độ, chuyên môn sâu về pháp luật quốc tế cùng pháp luật thương mại quốc tế.

Đoàn giám sát đã nêu 10 kiến nghị với đối với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để có thể vừa tận dụng những cơ hội FTA mang lại, vừa hạn chế các rủi ro phát sinh, từ đó thực thi các FTA thế hệ mới đầy đủ, hiệu quả.

“Chúng tôi tâm phục khẩu phục”

Phát biểu sau khi nghe kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá rất cao kết quả này. Báo cáo giám sát đã đưa đến cái nhìn tổng quan, toàn diện, phân tích rất sâu, rất kỹ mọi vấn đề, chỉ ra rất nhiều nguyên nhân của hạn chế, trong đó có nhiều nguyên nhân chủ quan cần khắc phục. “Chúng tôi tâm phục khẩu phục, trong quá trình thực thi các FTA, bất cập là không tránh khỏi và chúng tôi hoàn toàn nhất trí với 10 kiến nghị của đoàn giám sát”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu.

Đồng tình với Bộ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, việc tổ chức giám sát chủ đề trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất kịp thời, đúng đắn và hiệu quả.

Những ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đều đánh giá cao kết quả giám sát, song cũng đề nghị làm rõ hơn một số vấn đề khi hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau về mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: có ý kiến cho là đi nhanh quá, mở rộng quá; có ý kiến lại cho rằng, cần mở rộng hội nhập hơn nữa. Báo cáo cần khẳng định, việc thực hiện FTA mà Việt Nam là thành viên đã đem lại lợi ích chính đáng cho Việt Nam, bước đầu có khó khăn, nhưng lâu dài có kết quả tích cực.

Ông Hiển cũng nêu 2 ví dụ để minh chứng. Đó là từ khi tham gia FTA thế hệ mới, nông nghiệp mới xuất khẩu được đến 41 tỷ USD, hay công nghiệp chế biến, chế tạo mới có thể trở thành điểm sáng như thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng, ông Phan Thanh Bình góp ý, chúng ta vẫn chưa thoát được việc phụ thuộc vào một vài nền kinh tế lớn và gần Việt Nam, điểm này cần đánh giá sâu hơn.

“Thực chất, khu vực FDI đóng góp cho ngân sách của Việt Nam được bao nhiêu, lớn nhất là Samsung cũng mới chỉ bằng 1/10 Viettel thôi, cần đánh giá sâu hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu ý kiến.

Cần con số thắng - thua cụ thể hơn

Dẫn số liệu của Chính phủ, đoàn giám sát cho biết, đối với công tác kháng kiện, tính đến hết tháng 5/2020, đã tiếp nhận và xử lý 174 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam. Trong đó có 99 vụ việc chống bán phá giá, 18 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 34 vụ việc tự vệ.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần có con số cụ thể hơn về kết quả giải quyết các vụ việc trên, bao nhiêu vụ thắng, bao nhiêu vụ thua, nguyên nhân là gì, qua đó rút ra bài học về giải quyết tranh chấp. Cơ quan tư pháp, các văn phòng luật sư có đủ năng lực để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài hay chưa? Việt Nam có hơn 10.000 luật sư, nhưng số người có thể tham gia giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài rất hiếm, phần lớn phải thuê bên ngoài với chi phí rất cao.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục