Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng vừa giao Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2018 báo cáo chuyên đề: Xây dựng giải pháp về vốn vay trung hạn và dài hạn cho các ngành mũi nhọn của quốc gia bằng Dự án phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam. Ðây là chỉ đạo đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ được công khai về hướng phát triển hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Chỉ đạo này được đưa ra sau Hội nghị Ðối thoại giữa doanh nghiệp và các bộ, ngành, do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến từ giới doanh nghiệp, doanh nhân đều cho rằng, vốn là yếu tố đầu vào quan trọng với đại đa số các nhà kinh doanh hiện nay.
Ðể mở ra kênh tài trợ vốn mới cho doanh nghiệp, ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Phó Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, cần tìm cơ chế để đa dạng hóa dòng vốn, qua đó giúp doanh nghiệp vừa giảm phụ thuộc vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, vừa giảm chi phí tài chính do đi vay vốn ngân hàng.
Trong đó, nhất thiết phải phát triển hiệu quả thị trường vốn với hai nội dung quan trọng là xây dựng hệ thống quỹ hưu trí và thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thực chất.
Ý kiến của VinaCapital cũng như từ nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về quỹ hưu trí cho rằng, để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện là cần nâng mức đóng góp vào quỹ hưu trí được miễn thuế từ 1 triệu đồng/người/tháng theo quy định hiện hành lên ít nhất 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Thậm chí, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước như Thái Lan, Philippines, VinaCapital đề xuất nâng mức này lên 8 triệu đồng/người/tháng, nếu muốn sớm có hệ thống quỹ hưu trí cũng như thúc đẩy hệ thống quỹ này phát triển nhanh...
Thực tế, hành lang pháp lý cho sự ra đời của quỹ hưu trí tự nguyện đã được định hình từ năm 2014, nhưng sau ba năm, vẫn chưa có quỹ hưu trí tự nguyện nào được thành lập trên thị trường.
Nguyên nhân thì có nhiều, chẳng hạn loại hình này đang bị cạnh tranh bởi các sản phẩm khác (bảo hiểm hưu trí tự nguyện), trong đó có một nguyên nhân được giới chuyên gia chỉ ra là chính sách thuế kém hấp dẫn với người lao động, khi mức đóng góp vào quỹ được khấu trừ thuế còn quá thấp.
Một “cú mồi” về chính sách thuế, với mức đóng góp được khấu trừ thuế cao hơn, được cho là rất cần thiết để loại hình quỹ này ra đời.
Ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cam kết sẽ tiếp thu và đề xuất Thủ tướng hướng xử lý. Rất nhanh sau khi nhận được đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo cụ thể như trên.
Với sự quan tâm chỉ đạo khẩn trương của Thủ tướng, các doanh nghiệp, chuyên gia kỳ vọng tới đây sẽ có những bước chuyển động rõ nét về chính sách, thúc đẩy sự ra đời của những quỹ hưu trí tự nguyện đầu tiên. Qua đó, không chỉ góp phần cải thiện an sinh xã hội, mà còn mở ra kênh huy động và phân bổ vốn mới cho nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp.