Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 327/TTg – CN gửi UBND tỉnh Lai Châu về việc đầu tư Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc UBND tỉnh Lai Châu là cơ quan chủ quản Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (bao gồm cả phần trên địa bàn tỉnh Lào Cai) như đề xuất của tỉnh này.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Lai Châu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, cơ quan và triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Vào giữa tháng 2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã có công văn số 399/UBND – KTN gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Tại văn bản 399, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh này đầu tư Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bằng nguồn vốn do tỉnh này quản lý.
Dự án này sẽ bao gồm tuyến hầm và đường dẫn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi với tổng chiều dài tuyến khoảng 8,8 km, trong đó chiều dài hầm 2,5 km, đường dẫn và cầu dài 6,3 km.
Điểm đầu Dự án tại Km78, Quốc lộ 4D, điểm cuối thuộc địa phận tỉnh Lào Cai (dự kiến kết thúc tại điểm đấu nối vào trục đường D1 theo quy hoạch chi tiết Khu dân cư tổ 13, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa).
Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.300 tỷ đồng dự kiến được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 – 2025 trị giá 2.500 tỷ đồng đã giao cho tỉnh Lai Châu và vốn ngân sách địa phương tự cân đối là 800 tỷ đồng.
Liên quan đến đề xuất của UBND tỉnh Lai Châu, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lai Châu là cơ quan chủ trì quản lý Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Lai Châu nghiên cứu, rà soát và chịu trách nhiệm toàn diện đối với phương án đầu tư của Dự án hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và triển khai Dự án trên cơ sở đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành liên quan, nhất là đối với các nội dung về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư, xây dựng...
Do đây là dự án có tính liên kết vùng, đã được Thủ tướng thông báo dự kiến mức vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2.500 tỷ đồng, vì vậy Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị UBND tỉnh Lai Châu thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23/5/2021 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, UBND tỉnh Lai Châu phải "Bố trí vốn ngân sách trung ương tối thiểu bằng mức vốn được thông báo đối với các mục tiêu, nhiệm vụ, các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển; trường hợp bố trí vốn thấp hơn, phần chênh lệch nộp trả về ngân sách trung ương; bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ đền bù, GPMB và phần còn thiếu so với tổng mức đầu tư được duyệt để hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án", đảm bảo phù hợp các quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành liên quan.
Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên được đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông giữa tỉnh Lai Châu với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; giảm thiểu nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 4D, đặc biệt trong điều kiện là sương mù vào mùa đông, sạt trượt trong mùa mưa lũ; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực.