Thủ tướng đề nghị G20 đoàn kết hành động để đẩy lùi Covid-19

0:00 / 0:00
0:00

Thủ tướng cũng đề xuất các nước chủ động thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, triển khai đồng bộ và hài hoà phục hồi kinh tế đi đôi với bảo đảm phòng chống dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh VGP/Quang Hiếu). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh VGP/Quang Hiếu).

Nhận lời mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, đêm qua theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 (Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) trực tuyến diễn ra ngày 21-22/11.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước đã tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó dịch Covid-19, thương mại, đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững.

Đêm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận với chủ đề: Vượt qua đại dịch, Phục hồi tăng trưởng và việc làm và có bài phát biểu quan trọng với nhiều đề xuất với G20. Theo đó, Thủ tướng đề nghị G20 cần tăng cường phối hợp chính sách toàn cầu, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác đa phương để đẩy lùi dịch Covid-19.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn nước Chủ tịch Saudi Arabia mời Việt Nam tham dự Hội nghị quan trọng này, chúc mừng Saudi Arabia với chương trình hành động thiết thực và hiệu quả đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ tịch G20 trong giai đoạn đầy khó khăn thách thức với nhiều chương trình hành động thiết thực, hiệu quả. Trên cơ sở chủ đề phiên họp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số đề xuất cụ thể:

"Thứ nhất, cần tăng cường phối hợp chính sách toàn cầu, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác đa phương để đẩy lùi dịch Covid-19. Chúng tôi đánh giá cao những kết quả quan trọng phòng chống dịch Covid-19 của các nước G20, nhất là nghiên cứu, sản xuất vaccine và thúc đẩy phối hợp chính sách vĩ mô trong phục hồi kinh tế. Hoan nghênh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, WB, IMF và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực về chính sách, tài chính… cho ứng phó với dịch bệnh. Với chủ đề “gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đã cùng các nước thành viên đẩy lùi dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, duy trì đà hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.

Một số kết quả nổi bật như sau: lập Quỹ ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế, có Trung tâm ứng phó y tế khẩn cấp và dịch bệnh của ASEAN; triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN, đặc biệt là ký Hiệp định thương mại quy mô lớn RCEP…

Đây là kết quả của tinh thần hợp tác, đoàn kết của ASEAN và giữa ASEAN và các Đối tác, trong đó có nhiều thành viên của G20".

Ảnh VGP/Quang Hiếu.
Ảnh VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng cũng đề xuất các nước chủ động thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, triển khai đồng bộ và hài hoà phục hồi kinh tế đi đôi với bảo đảm phòng chống dịch.

"Về hợp tác y tế, cần có cách tiếp cận bình đẳng và chi phí phù hợp với vaccine và thuốc đặc trị Covid-19. Hợp tác xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng vaccine, nâng cao năng lực ứng phó ở quy mô toàn cầu là hết sức cấp thiết. Chúng tôi hoan nghênh và mong muốn các nước G20 trước hết là xây dựng thoả thuận sản xuất vaccine với các đối tác trên toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ cùng với bảo hộ sở hữu trí tuệ, qua đó đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vắc-xin ở quy mô lớn. Thứ hai là tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các nước đang phát triển. Về kinh tế, cùng với kiểm soát dịch Covid-19, các nước cần tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư qua biên giới, duy trì các chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị y tế… Việt Nam ủng hộ hội nhập, tham gia thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm với WTO là trung tâm. Chúng tôi mong G20 đóng góp tích cực vào cải cách WTO làm nền tảng vững chắc cho thương mại đa phương"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng đề nghị thúc đẩy chuyển đổi số trở thành một động lực tăng trưởng mới. Thủ tướng mong muốn G20 tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hình thành các khung khổ, thoả thuận, quy tắc toàn cầu trong quản trị nền kinh tế số trên cơ sở nguyên tắc: tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số, trong khi vẫn tôn trọng luật pháp quốc tế và quốc gia.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục