Thủ tướng Chính phủ: Tình trạng quyền anh, quyền tôi làm các dự án chậm trễ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo những bộ, ngành chậm hoặc không phối hợp triển khai nhiệm vụ.

Ủy ban lo tiến độ

Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) làm đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ được phê duyệt ngay trong tháng 1/2020.

“Theo quy định của pháp luật, đến ngày 31/3/2020 Ủy ban phải hoàn thành việc này. Tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2019, Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trình để Ủy ban có thể phê duyệt kế hoạch này trong tháng 01 năm 2020”, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty vào chiều ngày 16/1/2010.

Thủ tướng Chính phủ: Tình trạng quyền anh, quyền tôi làm các dự án chậm trễ ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đến thời điểm giữa tháng 1/2020, 5 tập đoàn, tổng công ty đã được Ủy ban phê duyệt kế hoạch. Đò là VNPT, MobiFone, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Vietnam Airline và ACV.

Động thái này cùng với danh mục 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Ủy ban đang đặt mục tháo gỡ khhos khăn, vướng mắc đang làm khó hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty mà Ủy ban đang nhận vai trò đại diện chủ sở hữu.

Năm 2019, không tập đoàn, tổng công ty nào hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về đầu tư phát triển đã được phê duyệt. EVN đạt cao nhất cùng mới ở mức 95,8% kế hoạch. Petrolimex đạt 94%. TKV đạt 92%.

Điều đáng nói là hầu hết các dự án lớn đều chậm tiến độ.

“Ủy ban sẽ rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn hoặc xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng, thống nhất và chưa hợp lý liên quan đến tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu”, ông Hùng báo cáo.

Đặc biệt, các quy định trong Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng và các nghị định hướng dẫn, văn bản có liên quan sẽ được tập trung rà soát, đề nghị đơn giản hóa, nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án.

Theo quy định hiện hành, thủ tục đầu tư có 3 bước phải làm. Một là chủ trương đầu tư.  Hai là báo cáo tiền khả thi. Ba là, báo cáo khả thi.

Báo cáo với Thủ tướng, ông Hùng cho rằng, các bước đều cần, vì càng làm nhiều thì càng kỹ, càng tốt, nhưng đang gây ra nhiều bước thủ tục và mất nhiều thời gian.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo gom các bước lại, nếu đã phê duyệt chủ trương đầu tư thì thực hiện đồng thời với phê duyệt báo cáo tiền khả thi, để giảm đi một bước, giảm thời gian cho doanh nghiệp. Nếu các dự án đầu tư đã nằm trong quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, thì có lẽ không cần bước phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện nay vẫn phải làm đủ. Theo báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty, do triển khai các bước này đỏi hỏi thời gian nên 4 năm qua, ít dự án được khởi công”, ông Hùng báo cáo.

Ngoài ra, các quy định cũng đang không rõ thẩm quyền, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố.; chưa rõ quy định nội dung phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu để hội đồng thành viên ra quyết định đầu tư...

Thủ tướng: Chậm do phối hợp kém

Khẳng định có những nguyên nhân khách quan, nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc ngay tới trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong sự chậm trễ của nhiều kế hoạch đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ: Tình trạng quyền anh, quyền tôi làm các dự án chậm trễ ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quan hệ hợp tác giữa Ủy ban với các cấp bộ, ngành với các tập đoàn, tổng công ty là một nguyên nhân chậm trễ, còn tình trạng quyền anh quyền tôi, hay ít hợp tác giữa quản lý ngành và Ủy ban.

“Quan hệ hợp tác giữa Ủy ban với các cấp bộ, ngành với các tập đoàn, tổng công ty là một nguyên nhân chậm trễ, còn tình trạng quyền anh quyền tôi, hay ít hợp tác giữa quản lý ngành và Ủy ban", Thủ tướng nói.

Ngay trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã điểm danh nhiều lãnh đạo bộ, nhất là các bộ quản lý ngành lớn, như Bộ Giao thông- Vận tải, Tài chính, Công thương... đã không có mặt trong Hội nghị này; nhắc tới 20 tỷ USD giải ngân trong năm 2019 của khu vực FDI và số lượng gần 140.000 doanh nghiệp tư nhân thành lập mới, với số vốn bình quân 12 tỷ đồng.

“Nếu không đầu tư phát triển, mình sẽ thua ngay trên sân nhà”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, với những vấn đề cần phối hợp, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban trực tiếp mời họp, có biên bản kèm theo để xử lý nhanh, tránh  chủ nghĩa quan liêu, giấy tờ, để mấy tháng không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không thể giải quyết nhanh công việc được.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chấn chỉnh, phối hợp tốt hơn với Ủy ban, đặc biệt hỗ trợ các tập đoàn tổng công ty trên địa bàn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Chủ tịch Ủy ban báo cáo Thủ tướng những bộ, ngành chậm hoặc không phối hợp triển khai nhiệm vụ. Không thể né tránh”, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh.

Một số kết quả hoạt động năm 2019 của 19 tập đoàn, tổng công ty

- Tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.478.949 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2018.
- Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 99.832 tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm.
- Tổng nộp ngân sách hợp nhất đạt 221.108,68 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2018.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu của một số sản phẩm của một số doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đạt 2 tỷ 224 triệu USD.

Nguồn: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Tuyết Ánh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục