Thông tin trên được Tổng thư ký Quốc hội cho biết tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.
Theo kết luận, về cơ bản dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Kết luận cũng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Luật Dầu khí chỉ điều chỉnh điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn; hoạt động dầu khí trung nguồn (vận chuyển, tồn trữ và phân phối) và hạ nguồn (xử lý, chế biến) thực hiện theo quy định của các luật khác.
Để giải quyết được các vấn đề trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần thiết có quy định tại Luật Dầu khí về trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật Dầu khí. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định áp dụng Luật Dầu khí để bao quát tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn, bảo đảm khả thi, không gây vướng mắc trong thực hiện, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản của dầu khí. Trong đó, lưu ý khái niệm và nội dung điều tra cơ bản về dầu khí bảo đảm thống nhất; tính chất tổng hợp, liên ngành, liên khu vực của công tác quản lý về điều tra cơ bản về dầu khí; các vấn đề về kinh tế hóa ngành tài nguyên, điều tra cơ bản về dầu khí và cơ chế quản lý thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện bởi các nguồn kinh phí khác nhau.
Các vấn đề cần lưu ý còn là cơ chế thống nhất về quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu điều tra cơ bản về dầu khí; kinh phí cho việc điều tra cơ bản về dầu khí nói chung, cơ chế xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng đầu tư trở lại cho hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân; quy định những nội dung có tính đặc thù về tiêu chuẩn, đánh giá năng lực và lựa chọn các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung quy định về việc giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí. Vì, tính chất đặc biệt của hợp đồng dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có thể kéo dài 20-30 năm, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền...
Tiếp tục rà soát, bảo đảm quy định rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, đồng thời, theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính, quy định rõ trách nhiệm phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm thẩm định của Bộ Công thương và trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả hợp đồng dầu khí, kết luận nêu rõ yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về việc thực hiện chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định theo hướng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu theo cơ chế chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí để khuyến khích khai thác tận thu.
Tiếp tục rà soát, củng cố luận cứ bảo đảm thuyết phục, hoàn thiện các quy định về: kiểm soát chặt chẽ doanh thu, chi phí; việc quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư trong cùng diện tích hợp đồng; đầu tư bổ sung để khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, thu dọn công trình dầu khí và xử lý sau thu dọn khi kết thúc hoạt động khai thác. Xử lý kỹ thuật lập pháp theo đúng quy định để đồng bộ với Luật Thuế tài nguyên.
Yêu cầu tiếp theo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hoàn thiện các quy định về ghi chép, hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính đối với thuế thu nhập trong hoạt động dầu khí bảo đảm minh bạch, dễ hiểu, đúng bản chất các khoản thuế phát sinh. Hoàn thiện cơ chế quản lý, theo dõi, sử dụng, xử lý tài chính đối với tài sản và tiếp nhận quyền lợi tham gia từ nhà thầu vì lý do đặc biệt; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản dầu khí và hoạt động dầu khí; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; bảo đảm chặt chẽ, khả thi.