Hiện nay, Việt Nam đang tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng; hiệu quả và sức cạnh tranh. Quan điểm Việt Nam đối với ĐTNN sẽ mở theo hướng sau:
Một là, Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút ĐTNN, nay Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác ĐTNN” với nội hàm mở rộng hơn.
Hợp tác ĐTNN là chúng ta không chỉ thu hút ĐTNN, mà hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau (M&A), đặc biệt nhấn mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội (đây cũng chính là nội hàm của các Hiệp định FTA thế hệ mới và là nền tảng phát triển bền vững).
Hợp tác ĐTNN là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
Hai là, Việt Nam mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác ĐTNN, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, nhà nước, xã hội và bảo vệ tốt môi trường.
Ba là, thúc đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp ĐTNN với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, công nghệ chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Bốn là, khuyến khích ĐTNN vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, lao động, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao. Đồng thời, thu hút các dự án ĐTNN tiếp cận với các công nghệ tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, chúng ta tiếp tục thu hút vốn ĐTNN để giải quyết lao động, việc làm ở các vùng nông thôn, miền núi. Còn khu vực Thành phố phát triển, thị xã thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao…Đây là quan điểm nhân văn của phát triển bền vững, bao trùm, chia xẻ thành quả phát triển với mọi người dân.
Năm là, hợp tác với các Tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư có công nghệ mới sáng tạo, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế để hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp ĐTNN liên kết với các Tập đoàn đa quốc gia trong cụm liên kết ngành, từng bước tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn. Hợp tác ĐTNN phù hợp với lợi thế, quy hoạch địa phương, vùng, đảm bảo hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, bối cảnh khu vực, thế giới đang có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt, đan xen cả cơ hội và thách thức, cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa mạnh mẽ tới từng doanh nghiệp, người dân. Với các quan điểm nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, chính quyền địa phương tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất: Tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là: giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác ĐTNN và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Theo Tổ chức phát triển công nghiệp của LHQ - Unido (công bố 26/6/2014), trong 21 tiêu chí để các nhà đầu tư lựa chọn, đầu tư hoặc mở rộng đầu tư, có 4 tiêu chí đầu tiên là ổn định kinh tế, ổn định chính trị, giảm thuế, chi phí lao động.
Thứ hai: Hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, đảm bảo sự tương thích, đồng bộ pháp luật giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan với các cam kết quốc tế. Trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác ĐTNN có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Theo từng thời kỳ, giai đoạn phát triển, cần xây dựng các tiêu chí khuyến khích cụ thể, công khai, minh bạch, trong đó chú trọng khuyến khích đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm. Hoàn thiện khung pháp luật (nhất là về thuế, kế toán, thuê đất, mở rộng đầu tư,..) để có thể thích ứng với nhiều loại hình đầu tư mới, đầu tư của các Tập đoàn đa quốc gia.
Không xem xét mở rộng quy mô và gia hạn thời hạn hoạt động đối với các dự án ĐTNN khai thác tài nguyên, khoáng sản không gắn với chế biến sâu; dự án sử dụng công nghệ thấp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; dự án thâm dụng lao động ở các thành phố đã có trình độ phát triển cao.
Kiên quyết thu hồi diện tích đất được giao, cho thuê và sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp ĐTNN. Ngăn ngừa và hạn chế khả năng xảy ra tranh chấp đầu tư quốc tế.
Thứ ba: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp ĐTNN trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ....
Từ tư duy thụ động, bị nhà ĐTNN vào “mua”, nay chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp ĐTNN tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.
Thứ tư: Hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp ĐTNN thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.
Bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp ĐTNN được hưởng ưu đãi thì phải có đầu tư thực sự hiệu quả, kiểm chứng được trên cơ sở tiêu chí cụ thể; nhất là cam kết về đầu tư công nghệ cao, bảo vệ môi trường, khai khoáng có chế biến sâu...
Thứ năm: Tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến.
Xúc tiến theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các nguồn vốn ĐTNN từ các thị trường và đối tác. Khai thác có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do FTA và quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia để nâng cao chất lượng hợp tác ĐTNN.
Thứ sáu: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ĐTNN giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước về ĐTNN.
Kết nối Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư với thông tin quản lý về lao động, ngoại hối, đất đai...) để cung cấp dịch vụ công trực tuyến và nâng cao hiệu quả quản lý ĐTNN.
Trên cơ sở các quan điểm, nhiệm vụ nêu trên, các Bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện.
"Tôi tin rằng với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, sự chỉ đạo triển khai quyết liệt của các cơ quan Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ không ngừng được cải thiện mang tính cạnh tranh với khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia và bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng nói.