Nhìn lại những thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế qua 30 năm mở cửa, thu hút FDI, đặc biệt là đặt trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có thể rút ra 5 bài học quan trọng.
Thứ nhất, thu hút FDI phải bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Để làm được điều này, một mặt, tiếp tục khẳng định rõ vị trí, vai trò của khu vực FDI là bộ phận cấu thành nền kinh tế Việt Nam.
Từ đó, quan điểm, nhận thức và hành động đều phải nhất quán, đồng bộ trong toàn xã hội để phát huy hết những lợi thế của FDI mang lại cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặt khác, mục tiêu, định hướng và giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả dòng vốn FDI phải được chủ động điều chỉnh kịp thời để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước, bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày sâu rộng.
Thứ hai, thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI phải gắn với phát triển bền vững. Phải khai thác tối đa những lợi thế từ FDI nhưng phải bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn phù hợp, giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, bảo đảm môi trường, củng cố vững chắc an ninh, quốc phòng của đất nước.
Thứ ba, thu hút FDI nhưng phải có chính sách chủ động phát triển doanh nghiệptrong nước lớn mạnh để có thể liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, cùng phát triển.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp trong nước phải nhận thức rõ rằng, FDI cũng tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để thích ứng với yêu cầu hội nhập và liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài.
Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, đòi hỏi các bộ, ngành trung ương và địa phương cần phải triển khai quyết liệt và có hiệu quả các nội dung Nghị quyết Trung ương lần thứ 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Thứ tư, thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI gắn chặt với việc phải bảo đảm sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực quốc gia theo nguyên tắc tiếp cận và phân bổ các nguồn lực quốc gia phải công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và trên cơ sở hiệu quả sử dụng các nguồn lực quốc gia.
Thứ năm, chú trong việc tăng cường khâu thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống; gắn chặt trách nhiệm thực thi công vụ ở tất cả các ngành, các cấp; đồng thời nâng cao năng lực khâu kiểm tra, giám sát (cả đối với cơ quan nhà nước, cũng như doanh nghiệp FDI); chống đầu tư chui, chuyển giá, vi phạm pháp luật về môi trường…