Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân: Cảm xúc vỡ òa khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý, có thể khẳng định Luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua là sự kiện pháp lý nhận được sự quan tâm nhất của xã hội trong nhiều năm qua.

Đầu tư Chứng khoán Tết Giáp Thìn trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân - Phó trưởng ban soạn thảo - về những nỗ lực, thách thức và cả những cảm xúc trong quá trình kiến tạo nên đạo luật quan trọng này.

Thưa Thứ trưởng, sau 4 kỳ họp Quốc hội, trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 vừa qua. Là Phó trưởng ban soạn thảo, cảm xúc của ông ra sao?

Được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công làm Phó trưởng ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi, tham gia trực tiếp vào quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật, tôi thấy đây là một vinh dự và cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Thời gian qua, tôi cùng với các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, hết sức dân chủ, khoa học, khách quan trong lắng nghe, tiếp thu, chia sẻ.

Khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua, không chỉ tôi mà tất cả các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có chung cảm xúc vỡ òa, lâng lâng, xúc động khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Đối với cá nhân, tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trong cuộc đời làm công chức của mình đã được hoàn thành.

Đây là một sắc luật khó và phức tạp, lại đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện để đáp ứng những nhu cầu cấp bách của xã hội và nền kinh tế. Được biết, các cơ quan liên quan đã rất vất vả, nỗ lực trong hành trình đưa Luật về đích, đặc biệt là trong khoảng thời gian ngắn từ khi kết thúc Kỳ họp thứ 6 đến trước Kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội khóa XV. Quá trình này diễn ra ra sao, thưa ông?

Trong suốt thời gian 2 năm qua, có rất nhiều bộ phận, nhiều người đã phải thức làm việc trong đêm, thậm chí không có ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Đặc biệt là những ngày cuối cùng trước khi hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội bấm nút thông qua, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã làm việc với sự tập trung, khẩn trương cao độ, nhiều hôm đến 1 - 2 giờ sáng.

Tất cả có chung tinh thần làm việc là quyết liệt, khẩn trương để hoàn thành tiến độ, kịp đưa dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội, nhưng phải đảm bảo chất lượng.

Nhiều kỳ vọng tươi mới với Luật Đất đai sửa đổi

Nhiều kỳ vọng tươi mới với Luật Đất đai sửa đổi

Tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã không thể thông qua vì còn nhiều nội dung có những phương án lựa chọn khác nhau nhưng chưa thống nhất được phương án tối ưu. Ông có thể cho biết, những trường hợp đó đã được xử lý theo nguyên tắc nào?

Để có được sự đồng thuận cao, phải kiên định tuân thủ nguyên tắc phù hợp với Hiến pháp, bám sát chủ trương của Đảng, mà trọng tâm là Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi.

Căn cứ vào những yếu tố trên, đồng thời với quá trình đánh giá tác động, tiếp thu ý kiến, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, bàn bạc, cuối cùng Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Cơ quan thẩm tra thống nhất lựa chọn ra phương án tối ưu cho từng nội dung.

Chẳng hạn, với quy tắc quy hoạch sử dụng đất, có khi đưa ra ba phương án, có khi hai phương án, sau đó lại đề xuất một phương án bổ sung. Có thể nói là rất khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao nhất của toàn bộ các cơ quan, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cuối cùng đã thống nhất một phương án đảm bảo vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính lâu dài và có sự đồng thuận cao.

Tại phiên họp giữa Kỳ họp bất thường thứ 5 (ngày 17/1/2024) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến đã có sự thống nhất cao giữa cơ quan soạn thảo, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng đạt con số kỷ lục về sự tham gia của doanh nghiệp, người dân, với trên 12 triệu lượt đóng góp ý kiến. Ở góc độ Ban soạn thảo, ông có chia sẻ gì với những người đã có đóng góp tâm huyết để hôm nay chúng ta có Luật Đất đai mới chuẩn bị đi vào cuộc sống?

Chắc chắn sẽ vẫn còn những điểm trong Luật Đất đai sửa đổi mà một số người, một số tổ chức chưa thực sự hài lòng. Tôi mong mọi người hết sức chia sẻ với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng như Quốc hội, để chúng ta có sự đồng thuận, sớm đưa Luật Đất đai sửa đổi đi vào cuộc sống giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Để sớm đưa Luật Đất đai sửa đổi đi vào cuộc sống, theo ông, những việc cấp bách cần làm ngay là gì?

Việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi đã kết thúc quá trình làm luật, nhưng lại mở ra một sự bắt đầu mới, đó là tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật, trong đó có các quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành. Việc cấp bách cần làm ngay bây giờ là bắt tay ngay vào tổ chức xây dựng, hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi.

Với các quy định mang tính quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi sẽ khẩn trương huy động tất cả các lực lượng tiếp tục phát huy tinh thần quyết liệt, cẩn trọng của quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi để tham mưu cho Chính phủ ban hành kịp thời các nghị định hướng dẫn Luật. Để khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực vào ngày 01/01/2025 thì sẽ đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực sự đưa Luật Đất đai sửa đổi đi vào cuộc sống.

Minh minh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục