Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà: Năm 2015 sẽ thanh, kiểm tra khoảng 10 CTCK

(ĐTCK) Sau gần 3 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc các CTCK của Bộ Tài chính, trả lời phỏng vấn Báo ĐTCK, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá: “tái cấu trúc các CTCK đã thu hẹp về số lượng, đồng thời nâng cao được chất lượng hoạt động…”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà

Xin Thứ trưởng cho biết, sau gần 3 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc các CTCK, đâu là những kết quả đã đạt được?

Với việc bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, quyết liệt trong điều hành của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cùng với sự tích cực tham gia của các thành viên thị trường, sau gần 3 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc các CTCK đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo TTCK phát triển ổn định.

Cụ thể, việc tái cấu trúc các CTCK được thực hiện trên cơ sở thượng tôn pháp luật, thực hiện theo lộ trình, bước đi thận trọng, không làm xáo trộn hoạt động của thị trường và cổ đông của các CTCK, đảm bảo lợi ích hợp pháp của khách hàng. Quá trình tái cấu trúc được đặt dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, phát huy được tính chủ động của các CTCK và tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký và các CTCK.

Tái cấu trúc các CTCK đã thu hẹp về số lượng, đồng thời nâng cao được chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro của các CTCK. Đến hiện tại đã xử lý được 20 CTCK (giảm được khoảng 20% tổng số CTCK), theo các hình thức: chấm dứt và đình chỉ hoạt động, giải thể, hợp nhất… Cấu trúc hoạt động của các CTCK lành mạnh hơn, chỉ số an toàn tài chính, mức sinh lời trên tài sản, trên vốn chủ sở hữu đều tăng.

9 tháng năm 2014, số CTCK thua lỗ giảm từ 60% xuống dưới 20%, tổng mức lỗ giảm từ trên 3.200 tỷ đồng xuống còn dưới 200 tỷ đồng. Quá trình tái cấu trúc đã tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động của CTCK; xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK nói chung và các CTCK nói riêng.

Đến nay, về cơ bản Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động của các CTCK theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chí an toàn tài chính theo tiêu chuẩn BASEL II, tiêu chí cảnh báo sớm theo chuẩn mực CAMEL, hệ thống quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế (sớm hơn so với kế hoạch trong Đề án tái cấu trúc 1,5 năm).

Trong quá trình tái cấu trúc đã xử lý tốt mối quan hệ giữa các CTCK, ngân hàng và tổ chức bảo hiểm, đảm bảo quản trị rủi ro, đồng thời sử dụng các nghiệp vụ thị trường để tái cơ cấu thông qua cơ chế góp vốn minh bạch, không phải sử dụng hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước. 

Vậy đâu là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái cấu trúc, thưa ông?

Trong quá trình tái cấu trúc CTCK cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng và bản thân các CTCK đối mặt nhiều khó khăn, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong quá trình tái cấu trúc các CTCK vừa phải xử lý các vấn đề yếu kém, vừa phải thiết lập các cơ chế, chuẩn mực mới cao hơn, đồng thời phải xử lý rất khéo léo các vấn đề liên quan đến tài sản của khách hàng, các khoản nợ của ngân hàng, để bảo vệ được lợi ích hợp pháp của các bên. 

Định hướng tái cấu trúc, phát triển các CTCK trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Trong năm 2015, dự báo kinh tế vĩ mô sẽ có sự phát triển ổn định, TTCK nhờ đó sẽ có bước phát triển bền vững hơn. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thực hiện Đề án tái cấu trúc các CTCK hiệu quả hơn, Bộ Tài chính sẽ tập trung chỉ đạo UBCK tiếp tục rà soát, đánh giá lại hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của TTCK, xây dựng chính sách nhằm tiếp tục đẩy nhanh hơn tiến trình tái cấu trúc CTCK, đồng thời đưa hệ thống quản trị các CTCK tiếp cận gần hơn tiêu chuẩn quốc tế. Bổ sung, sửa đổi Thông tư 210/2012 về tổ chức và hoạt động của CTCK theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động.

Tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty và quản trị rủi ro của CTCK. Đặc biệt, để minh bạch hơn tình hình tài chính của CTCK, Bộ Tài chính sẽ ban hành chuẩn mực, chế độ kế toán mới áp dụng cho các CTCK, qua đó phản ánh kịp thời, chính xác tài sản của các CTCK, gia tăng sức khỏe tài chính và khả năng chống đỡ với các rủi ro của CTCK.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo trật tự, công bằng và minh bạch. Trong năm tới, dự kiến sẽ thanh tra, kiểm tra khoảng 10 CTCK và khoảng 15 công ty niêm yết.

Tăng cường sự gắn kết giữa tái cấu trúc CTCK với tái cấu trúc cơ sở hàng hóa, cơ sở NĐT (phát triển các quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản), cơ sở thị trường, mở ra các sản phẩm mới (Coverd Warrant, các sản phẩm cơ cấu…), thị trường mới (TTCK phái sinh), tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN huy động vốn, hỗ trợ công tác cổ phần hóa, gắn kết cổ phần hóa với niêm yết, giao dịch trên TTCK có tổ chức theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ...

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục