Cửa hẹp cho các CTCK phạm luật quay lại thị trường

(ĐTCK) Thời gian qua, nhiều CTCK bị xử phạt hành chính, kiểm soát đặc biệt, rút nghiệp vụ… “Cánh cửa” để các CTCK này quay lại thị trường đang rất hẹp.
Tính đến cuối tháng 10, có 3 CTCK tạm ngừng hoạt động, 9 công ty thuộc diện kiểm soát đặc biệt, 15 công ty bị rút nghiệp vụ... Tính đến cuối tháng 10, có 3 CTCK tạm ngừng hoạt động, 9 công ty thuộc diện kiểm soát đặc biệt, 15 công ty bị rút nghiệp vụ...

Những CTCK nằm trong sổ “đen”

Tính đến cuối tháng 10/2014, trong tổng số 104 CTCK thì có 3 CTCK giải thể, 3 CTCK chấm dứt hoạt động, 2 CTCK thực hiện hợp nhất, 3 CTCK tạm ngừng hoạt động, 9 CTCK thuộc diện kiểm soát đặc biệt và 15 CTCK bị cơ quan quản lý rút nghiệp vụ.

Tại CTCK Golden Bridge Việt Nam (GBS), công ty này tạm ngừng hoạt động từ tháng 9/2012 đến nay do liên tiếp vi phạm quy định pháp luật như cho khách hàng bán khống. Từ đội ngũ nhân viên hơn 50 người, hiện tại, GBS chỉ co cụm lại còn hơn 10 người. Mảng môi giới của Công ty đang trong tình trạng “chết lâm sàng”.

GBS cho biết, Công ty đã khuyến khích và hỗ trợ khách hàng chuyển tài khoản sang CTCK khác, bởi trong thời gian qua, khi GBS bị tạm ngừng giao dịch thì bản thân khách hàng cũng không giao dịch được.

CTCK Tràng An (TAS) từng tạo cú “sốc” cho thị trường khi lãnh đạo bước vào vòng lao lý, còn Công ty bị đình chỉ hoạt động. Cho đến nay, TAS dường như chỉ còn tồn tại cái tên. Cổ đông lớn nhất là ông Dương Hiểu Đông đã “rời bỏ” TAS chuyển qua đầu tư tại CTCK IVS. Toàn bộ số tài khoản của nhà đầu tư tại TAS đã được chuyển sang IVS. Tuy nhiên, những tài khoản từng bị TAS “lạm dụng” thì đến nay vẫn “treo”, chưa được giải quyết.

Ngoài TAS, hiện có 13 CTCK khác bị rút nghiệp vụ môi giới như CTCK Hà Nội, Trường Sơn, Đông Dương, SME… Nhẹ hơn, một số CTCK nằm trong diện kiểm soát đặc biệt như Công ty TNHH Chứng khoán CIMB-Vinashin, CTCK Kenanga Việt Nam (KVS), CTCK Ngân hàng đồng bằng sông cửu long (MHBS), CTCK Tonkin (HASC)... vì không bảo đảm chỉ tiêu an toàn tài chính.

Đáng chú ý, không ít CTCK “bê bết” đến mức không còn tiền để đóng phí thuê cổng kết nối đường truyền nên bị cắt kết nối với Sở giao dịch. 

Khó quay lại thị trường

Đại diện GBS cho biết, Công ty vẫn đang nỗ lực khắc phục và “chờ ngày” quay lại thị trường, song sớm hay muộn là điều không thể tự hình dung được. Hiện tại, GBS đang làm các thủ tục xin tăng vốn điều lệ từ 135 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng, nguồn vốn chủ yếu được “rót” từ Tập đoàn Golden Bridge (Hàn Quốc). Tuy nhiên, ngoài điều kiện về vốn đối ứng thì muốn quay lại với thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) yêu cầu Công ty phải tuân thủ các quy định pháp luật.

GBS còn may mắn hơn nhiều CTCK khác, vì không bị cổ đông lớn “quay lưng”. Ông Lý Tường Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Golden Bridge vẫn thường xuyên bay sang Việt Nam để theo dõi tình hình và đồng ý rót thêm vốn để “cứu” Công ty.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh các CTCK đang cạnh tranh gay gắt, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những CTCK lớn, uy tín, nhiều ý kiến cho rằng, kể cả khi GBS nói riêng và các CTCK khác nói chung khắc phục được hậu quả để quay lại với thị trường, thì việc tìm kiếm khách hàng mới cũng như thuyết phục khách hàng cũ trở lại giao dịch là điều vô cùng khó.

Thành lập CTCK mới cũng khó

Hiện tại, điều kiện cấp phép thành lập CTCK mới đã được nâng cao nhằm “nâng chất” các CTCK, như yêu cầu rất cao về nguồn vốn, nguồn nhân lực, cổ đông sáng lập phải là những tổ chức tài chính có uy tín… Bên cạnh đó, đối với những CTCK đang hoạt động, UBCK tăng cường xử phạt vi phạm hành chính khi các công ty có các hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán và TTCK. Vì vậy, “cửa” để các CTCK từng hoạt động bê bết “biến hình” với một giấy phép mới cũng không hề dễ dàng.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục