Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 diễn ra chiều tối 4/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận được câu hỏi của báo chí đề nghị cho biết quan điểm trước ý kiến cho rằng việc giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng vẫn là quá ít, đồng thời đặt câu hỏi đâu là giải pháp kiềm chế giá xăng dầu đang không ngừng tăng hiện nay.
Trả lời vấn đề này, Lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin, ngày 4/7, ngay sau khi Chính phủ thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn tại khung thuế đến hết ngày 31/12/2022.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
Nếu được Quốc hội chấp thuận, mức thuế mới sẽ được áp dụng từ 1/8 đến hết năm 2022. Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu đề xuất trên được thông qua, ngân sách sẽ bị hụt thu khoảng 7.000 tỷ đồng. Cộng với việc đang triển khai 2 Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn từ đầu năm làm ngân sách hụt thu khoảng 25.538 tỷ đồng, nếu tính tất cả các giải pháp này thì ngân sách hụt thu 32.538 tỷ đồng trong năm 2022.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Chi, số thu ngân sách từ việc giá dầu tăng, thu từ nhập khẩu xăng dầu chỉ khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính cũng chủ động các phương án khác đối với chính sách thuế cho mặt hàng xăng dầu như thuế nhập khẩu, VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…
"Bộ đang nghiên cứu để báo cáo các cấp có thẩm quyền. Chúng ta sẽ căn cứ vào diễn biến thực tế giá xăng dầu thế giới và Việt Nam sẽ có những động thái điều chỉnh cho phù hợp”, ông Chi nói.
Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu trên sản phẩm, hàng hóa sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Do đó, chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế này.
Chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần. Riêng giá xăng đã tăng 13 lần và giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường được áp dụng từ ngày 1/4/2022 theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ này, sau khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng cao. Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất là ngày 1/7, giá xăng dầu trong nước có giảm so với kỳ điều chỉnh ngày 21/6 nhưng mức giá này vẫn cao hơn so với kỳ điều chỉnh ngày đầu tiên của năm là ngày 11/1 và ngày 1/4 vừa qua.