Giá xăng và tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng dầu, vào kỳ điều hành cuối tuần trước đã giảm 110-410 đồng/lít và điều này khiến không chỉ người tiêu dùng, mà cả doanh nghiệp mừng vui.
Giá xăng và tăng trưởng kinh tế

Song mừng đấy mà vẫn lo đấy, bởi ai cũng hiểu, áp lực tăng giá xăng dầu, áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn.

Hơn thế, dù đã giảm, thì hiện tại, giá xăng RON95-III vẫn ở mức 32.760 đồng/lít, một mức giá quá cao. Từ đầu năm tới nay, giá xăng liên tục được điều chỉnh và đang ở mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây.

Và câu chuyện không đơn thuần là giá xăng tăng. Bởi xăng tăng giá sẽ tác động lớn tới lạm phát. Hiện tại, bình quân 6 tháng, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Có thể, 2,44% là mức tăng chưa phải đáng lo ngại, nhưng nếu xu hướng vẫn còn tiếp tục, xăng tăng giá kéo theo các loại nguyên vật liệu đầu vào khác tăng cao, thì có thể sẽ khó kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 4% như Chính phủ đề ra.

Không chỉ vậy, trên thực tế, các số liệu về diễn tiến của CPI chưa phản ánh hết “sức nóng” của giá cả thị trường đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đời sống người dân.

Bất cứ người dân nào cũng có thể cảm nhận về một mặt bằng giá mới đang được thiết lập. Giá xăng tăng, giá hàng hóa tiêu dùng tăng, giá vé máy bay, chi phí đi lại tăng một cách chóng mặt. Trong khi đó, có một thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố rất đáng chú ý.

Đó là, năm 2021, thu nhập người dân đã giảm 1,1% so với năm 2020, đạt hơn 4,2 triệu đồng/người/tháng. Mức giảm thu nhập ở khu vực thành thị thậm chí còn cao hơn, lên tới 3,6%. Năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người/tháng cũng giảm 1% so với năm 2019 vì Covid-19.

Thu nhập giảm trong khi chi phí tăng lên khiến “túi tiền” của người dân bị hao hụt đáng kể, cuộc sống, tất nhiên sẽ khó khăn hơn.

Doanh nghiệp cũng tương tự, bởi từng chịu tác động nặng nề bởi Covid, vừa gượng dậy đã bị “bão giá” vùi dập. Cả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp lẫn dịch vụ đều gặp khó.

Một tính toán cho biết, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Nhưng không chỉ giá xăng tăng, còn rất nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, nhất là trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt, giá cả hàng hóa thế giới, nhất là xăng dầu và lương thực còn biến động khó dự báo. Trong khi đó, lạm phát ở Mỹ, ở châu Âu đã lên đến đỉnh điểm thì chuyện Việt Nam nhập khẩu lạm phát là khó tránh khỏi.

Lạm phát tăng gây rủi ro tới ổn định kinh tế vĩ mô, trong khi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục xu hướng phục hồi. Giá xăng tăng cũng ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế.

Tổng cục Thống kê từng tính toán rằng, với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5%. Đây là mức giảm khá lớn, cho thấy những tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Bởi vậy, dễ hiểu vì sao trên nghị trường Quốc hội mới đây, câu chuyện giá xăng - lạm phát đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu. Gần đây, trong các bình luận về những thách thức đối với nền kinh tế trong nửa cuối năm 2022, chuyện giá xăng được nhắc đến rất nhiều.

Giá xăng tăng đẩy giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao, bao gồm giá vật liệu xây dựng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc thi công nhiều dự án đầu tư công rơi vào cảnh cầm chừng, dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm trong khi giải ngân vốn đầu tư công lại tác động quan trọng tới tăng trưởng kinh tế.

Với những ý nghĩa đó, câu chuyện giá xăng đang là vấn đề cấp thiết, vấn đề “đại sự” của nền kinh tế. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây có rất nhiều đề xuất liên quan đến việc làm sao để “hạ nhiệt” giá xăng dầu.

Để hạ nhiệt giá xăng dầu, cùng với việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức kịch khung, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Người dân, doanh nghiệp đang “ngóng chờ” các quyết định cuối cùng được đưa ra. Đó là biện pháp cần thiết và quan trọng trong lúc này để có thể vơi bớt nỗi lo “cơm áo gạo tiền” của người dân và doanh nghiệp, vơi bớt áp lực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của nền kinh tế và cũng vơi bớt nỗi lo đà hồi phục của nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục