Thứ trưởng Bộ Giao thông nói về ga ngầm C9 tại Hồ Gươm

Liên quan việc ga đường sắt đô thị C9 nằm cạnh Hồ Gươm đang gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận, chiều 30/8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời quan điểm của Bộ về vấn đề này.
Phối cảnh ga ngầm C9 tại Hồ Gươm. Phối cảnh ga ngầm C9 tại Hồ Gươm.

Ông Đông cho hay, đây là tuyến đường sắt đô thị trọng điểm quốc gia do Hà Nội chủ quản và là chủ đầu tư, với vị trí ga số 9 (C9) trên tuyến. Hà Nội có tham vấn ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan, các chuyên gia. “Theo chúng tôi đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội với ga C9 và các ga khác”, ông Đông nói.

Việc lựa chọn vị trí ga ngầm đảm bảo các tiêu chí như thu hút hành khách, hiệu quả vận tải, đồng thời có tham vấn chuyên gia, các nhà khoa học, công khai lấy ý kiến người dân.

Ông Đông cho rằng, ga C9 nằm trong khu bảo vệ 2 di tích Hồ Hoàn Kiếm, theo chức năng Bộ VH-TT&DL cần có ý kiến về quản lý các di tích và giải quyết việc này trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, quản lý bảo vệ di tích...

“Tôi cho rằng, Hà Nội sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để vừa đảm bảo công năng của ga C9 và đảm bảo việc bảo vệ di tích”, Thứ trưởng Đông nói.

Ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ Hồ Hoàn Kiếm.

Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ Hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m, tới đền Bà Kiệu khoảng 83m, tới Tháp Bút khoảng 36m và tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục