Trong phiên sáng, 2 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam chớm xanh lúc đầu phiên khi lực cầu, nhất là tại các mã thị trường tỏ ra rất tốt, kéo nhiều mã duy trì sóng lớn, còn nhóm bluechip phân hóa.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chiều, việc chỉ số chứng khoán Dow Jones Futures giao dịch bất ngờ giảm hơn 1.000 điểm khi nhà đầu tư lo ngại làn sóng lây nhiễm virus Covid-19 thứ hai đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Ngay đầu phiên chiều, lực cung đã tăng mạnh, đẩy các chỉ số chính rơi theo chiều thẳng đứng với sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử.
Đóng cửa phiên giao dịch 15/6, chỉ số VN-Index giảm 31,05 điểm về mức 832.47 điểm, chỉ số VN30 giảm 29,05 điểm về mức 778,71 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 3,09 điểm (-2,64%) xuống 113,82 điểm.
Trên sàn HOSE, có tới 291 mã giảm điểm, trong đó có 34 mã cổ phiếu sàn; 96 mã xanh và 45 mã tham chiếu.
Trong đó, đặc biệt nhiều mã trụ bị bán mạnh và giảm hơn 3% đến hơn 6%, trong khi nhiều cổ phiếu thị trường bị bán sàn ồ ạt như LDG, DPG, SCR, CTD, KSB, DGW, FRT, TDH…, thậm chí 3 mã chứng khoán lớn là SSI, HCM và VCI cũng bị đẩy xuống mức sàn.
Diễn biến chỉ số VN-Index
Diễn biến của phiên hôm nay khiến nhà đầu tư nhớ lại phiên giao dịch ngày 11/6 khi chỉ số VN-Index giảm 3,7%, tương ứng 33,31 điểm. Nguyên nhân sụt giảm mạnh của phiên 11/6 và phiên hôm nay cũng có vẻ không giống nhau.
Lực bán mạnh trong phiên 11/6 xảy ra khi thị trường khi chỉ số chứng khoán Dow Jones Futures giảm mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư chốt lời, sau đó ảnh hưởng tới tâm lý những nhà đầu tư mới, kích hoạt lệnh bán mạnh trên diện rộng.
Trong phiên giao dịch hôm nay cũng tương tự, khi chỉ số chứng khoán Dow Jones Futures giảm 1.000 điểm, lực bán trên thị trường trong nước đã gia tăng mạnh trong phiên chiều, kéo các chỉ số lao dốc.
Điều này cho thấy, thị trường dễ dàng chịu tác động mạnh khi chứng khoán thế giới chuyển biến tiêu cực. Theo đó, các cổ phiếu trụ là trọng tâm bị nhà đầu tư bán ra trong những phiên qua.
Bảng thống kê các cổ phiếu bị bán mạnh từ ngày 11/6 - 14/6
Có thể thấy, rủi ro thị trường Việt Nam không chỉ nằm trong yếu tố trong nước, mà còn đang chịu chi phối bởi các yếu tố từ thị trường thế giới.
Làn sóng lây lan virus lần thứ 2 ở Mỹ và Trung Quốc sẽ là vấn đề chi phối thị trường chứng khoán trong thời gian sắp tới và làm tăng rủi ro của nhà đầu tư trong nước. Việt Nam hiện tại đang rất khó để tách rời với thị trường thế giới, mặc dù tình hình Việt Nam vẫn ổn định.