Những cổ phiếu tăng ngược giá trị
TTCK đã trải qua 10 tuần hồi phục ngoạn mục sau khi dịch bệnh tại Việt Nam tạm thời được khống chế.
Tuy nhiên, những con số thống kê quý I năm nay về tình hình vĩ mô lẫn hoạt động của doanh nghiệp đều khá ảm đạm khi GDP chỉ tăng trưởng 3,82%. Nhiều ngành kinh tế vẫn ngưng trệ như du lịch, hàng không, giải trí…
Tổng kết quý I vừa qua cũng cho thấy, lợi nhuận doanh nghiệp đang có xu hướng giảm, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng lên và bản thân chất lượng lợi nhuận cũng giảm xuống tương ứng.
Thế nhưng, nhiều cổ phiếu đã hồi phục nhanh “ngoài sức tưởng tượng”, thậm chí thị giá cao hơn 10% đến 20% trước giai đoạn dịch bùng phát.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), để giải thích việc hiện tại nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá mạnh bất chấp kết quả kinh doanh không tốt thì cần chia đà hồi phục của thị trường kể từ đáy ngày 24/3 đến nay thành 2 chặng.
Chặng thứ nhất từ đáy khi VN-Index ở vùng 650-800 điểm, đây được gọi là pha của phân tích cơ bản. Đây là thời kỳ thị trường phục hồi khi rơi vào trạng thái quá bán trong ngắn hạn.
Giai đoạn này vẫn còn sự nghi ngờ và các cổ phiếu được bắt đáy phải mang lại một niềm tin lớn để nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.
Giai đoạn này là giai đoạn thể hiện rất đúng kỳ vọng cơ bản, các cổ phiếu ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tăng giá tốt, có thể kể đến như công nghệ thông tin, viễn thông, y tế, bất động sản khu công nghiệp…
Chặng thứ hai là khi chỉ số VN-Index biến động từ 750-900 điểm, có thể gọi là pha của dòng tiền mới. Sau khi thị trường chạm ngưỡng 800 điểm, động thái chốt lời đã xuất hiện và khiến thị trường điều chỉnh về 750 điểm và ở vùng này, một lượng tiền lớn đổ vào thị trường mang sắc thái mới mẻ, hay được gọi với tên "nhà đầu tư F0" khiến thị trường thay máu.
VN-Index phi thẳng một mạch từ 750 điểm về 900 điểm. Các giao dịch cũng rất khác và từ đây cuộc chơi có vẻ như mang sắc màu tiền mới nhiều hơn, do đó yếu tố cơ bản cũng bị nhạt dần. Không thể nói thị trường phớt lờ hết yếu tố cơ bản, nhưng thực sự giai đoạn này, yếu tố cơ bản mờ nhạt hơn pha trước rất nhiều.
Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã phân tích trên nhiều bài báo trước đó, đặc tính của nhà đầu tư F0 rất khác.
Vì họ chưa bị tổn thương trong nhịp thị trường rơi nên khi thị trường tăng tiếp, họ cũng không chốt lời quyết liệt, mà thậm chí còn có khuynh hướng mua thêm. Dòng tiền này không quan tâm đến yếu tố cơ bản nhiều lắm.
Càng về sau, mức độ đầu cơ của thị trường được đẩy lên cao hơn và với dòng tiền đầu cơ vào mạnh, yếu tố cơ bản không quan trọng bằng đặc tính vận động giá và yếu tố kỹ thuật của cổ phiếu.
Các cổ phiếu beta cao, rủi ro cao được ưu tiên và tất nhiên, nhiều cổ phiếu biến động mạnh nằm trong diện thua lỗ. Khi dòng tiền lan tỏa phủ khắp, nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá, thanh khoản cao là điểm đến của dòng tiền. Dưới mệnh giá thì đương nhiên cơ bản không ổn lắm dù có Covid hay không.
Trong 16 ngành phi tài chính mà FiinPro đã đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến khối doanh nghiệp niêm yết cho thấy sự tương quan giữa thị giá cổ phiếu và giá trị được thể hiện khá rõ nét trong giai đoạn từ đầu năm đến nay.
Ở nhóm tài nguyên cơ bản, với sự dẫn đầu và bứt phá của HPG, cổ phiếu ngành này vẫn tăng 10,6% kể từ đầu năm và tăng 44,9% kể từ đáy (phiên 24/3).
Sự tăng giá này được dẫn dắt bởi mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 25,4% trong quý I/2020 và dự kiến cả năm nay vẫn tăng 35,1% trong bối cảnh toàn thị trường dự kiến suy giảm về lợi nhuận.
Ở nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, đây là nhóm doanh nghiệp gần như “miễn nhiễm” với Covid-19, ghi nhận lợi nhuận quý I/2020 của ngành tăng trưởng 15,9% và dự kiến cả năm 2020 tăng 18%. Điều này đã hỗ trợ giá cổ phiếu nhóm ngành này chỉ giảm nhẹ 4,5% kể từ đầu năm và tăng tới 24,8% từ đáy tháng 3/2020.
Trong khi đó, đối với nhóm ngành bất động sản, bất chấp việc bán ròng mạnh của khối ngoại trong suốt tháng 3 và 4/2020, tác động của dịch bệnh cũng như việc siết cho vay đối với bất động sản, thống kê của Fiinpro cho thấy, nhóm cổ phiếu ngành này vẫn tăng 31,5% kể từ “đáy tạm thời” và được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận 17,3% trong quý I vừa qua và dự kiến tăng nhẹ 3,3% trong cả năm 2020.
Cổ phiếu còn dư địa tăng?
Dĩ nhiên là khó để trả lời câu hỏi này, bởi thị giá của cổ phiếu trong nhiều trường hợp không phản ánh đúng thực tế hiệu quả kinh doanh, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thông tin chính sách, sóng ngành…, thậm chí là vào các “game” của một bộ phận nhà đầu tư.
Giá cổ phiếu hiện tại đắt hay vẫn còn rẻ thì khó có chuyên gia hay chính lãnh đạo doanh nghiệp nào có thể trả lời được. Nhưng nhìn ở góc độ tổng quan, khi nhiều doanh nghiệp bị tác động mạnh bởi Covid-19 làm giảm tốc độ tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm, thua lỗ, thì giá cổ phiếu vẫn tăng.
“Tôi không biết thực tế có bao nhiêu nhà đầu tư mua đúng đáy và giữ đến giờ, nhưng tôi ngờ rằng có rất nhiều người mua đúng đáy, nhưng chốt lời khi giá lên 10-15% và họ quay vòng liên tục cho đến giờ. Tức là nếu xu hướng tăng còn tiếp diễn, họ cũng sẽ quay nhiều vòng nữa”, ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chia sẻ và cho rằng, chính tâm lý hưng phấn đã phần nào đẩy thốc giá cổ phiếu lên mạnh, bất chấp kết quả kinh doanh năm nay có thể giảm.
Theo thống kê của Fiinpro, kế hoạch lợi nhuận sau thuế bình quân của 416 doanh nghiệp trong năm 2020 đã công bố giảm 12,1% so với 2019. Đây là mức giảm khá lớn nếu so với số thực tế tăng trưởng 14,7% trong năm 2019 và 18,2% trong năm 2018 của những doanh nghiệp này.
Điều hiển nhiên là Covid-19 đã tác động tiêu cực lên hoạt động của doanh nghiệp từ tháng 3, nhưng thiệt hại thực sự có khi chỉ đến từ tháng 4 và dù bây giờ triển vọng đã sáng hơn rất nhiều, nhưng doanh nghiệp cũng cần một quá trình phục hồi.
Do đó, nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý II/2020 và cả năm 2020 sẽ giảm so với năm trước. Điều bất thường là trên cả 3 sàn chứng khoán đang có rất nhiều cổ phiếu tăng giá cao hơn cả trước khi có dịch. Đà tăng nếu còn kéo dài, sẽ còn nhiều mã nữa tăng cao như thế.
Như vậy, về định giá, ông Lân cho rằng, cổ phiếu đang đắt lên nhiều chứ không hề phản ánh tác động của dịch Covid-19 lên hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam (VIS) cho rằng, kết quả kinh doanh quý I/2020 dù có giảm tăng trưởng, nhưng vẫn còn sáng sủa khi chưa ghi nhận tác động của Covid-19.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh bán niên, sẽ còn nhiều mảng tối bộc lộ rõ do họ bị áp lực nợ vay, trong khi doanh số kinh doanh chưa kịp hồi phục.
Mặc dù vậy, những con số thống kê bi quan đó đã được phản ánh vào thị trường từ 2 tháng trước đó thông qua đợt giảm hơn 30% của chỉ số VN-Index. Cho đến thời điểm VN-Index trở về mốc 900 điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu bluechips vẫn có thị giá thấp hơn hồi đầu năm khoảng 20%.
Có một điểm lưu ý là đợt suy giảm kinh tế hiện tại đến từ yếu tố tự nhiên, chứ không hẳn toàn bộ từ nội tại nền kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam đang là quốc gia xử lý dịch bệnh tốt nhất và đang có vị thế cùng uy tín lớn trên trường quốc tế so với trước đây.
Ngay trong khối ASEAN, Việt Nam cũng là quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Đây là điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam có thể nhanh chóng thu hút đầu tư quốc tế lớn và cũng tận dụng mở rộng thương mại sớm nhất so với nhiều quốc gia khác.
Với các doanh nghiệp đang niêm yết, từ quý III trở đi, hoạt động nhiều doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ trở lại bình thường và ở một số ngành sẽ có nhiều cơ hội phát triển mới như bất động sản, thương mại, bán lẻ, nguyên vật liệu…
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp sẽ đón đầu làn sóng M&A gia tăng mạnh mẽ trong trong thời gian tới. Những doanh nghiệp khó khăn kéo dài trong nhiều năm nay đã có hướng đi mới khả quan hơn nhờ đón nhận dòng vốn lớn cơ cấu lại hoạt động kinh doanh.
Đó là các trường hợp như ITA, HBC, HAG... Nhà đầu tư kỳ vọng khi có bàn tay của những “big boy” sẽ thay đổi toàn bộ hoạt động doanh nghiệp mà chúng ta đã thấy trước đây như câu chuyện Thaco mua cổ phần HNG, VNM mua lại GTN…
Đó cũng là một phần lý do nhiều cổ phiếu penny trên sàn niêm yết bỗng vụt sáng trong thời gian gần đây. Bản thân các doanh nghiệp này có thị phần và tài sản chất lượng, nên chỉ cần dòng vốn mới hỗ trợ thì sẽ nhanh chóng hồi phục.