Từ ngày 18/2, hàng nhập khẩu có giá trị thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh không còn được miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tổng cục Hải quan cho biết, ngay trong ngày đầu tiên thực hiện, số thuế thu được từ hàng nhập khẩu trị giá nhỏ đã đạt hơn 6,1 tỷ đồng.
Thuế GTGT là thuế gián thu, áp dụng theo Luật Thuế GTGT và các quy định sửa đổi mới đây. Hiện thuế GTGT được chia thành các mức gồm không chịu thuế, 5% và 10%, tùy theo loại hàng hóa và chính sách khuyến khích của Nhà nước, không phân biệt hàng nhập khẩu hay sản xuất trong nước. Thuế này đánh vào người tiêu dùng cuối, mức thuế áp dụng theo danh mục ngành hàng. Theo Tổng cục Hải quan, đa số hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh là hàng tiêu dùng, nên sẽ chịu thuế 10%.
Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kể các lô hàng trị giá nhỏ nhập khẩu.
Trước đây, các lô hàng trị giá nhỏ thường không bị áp thuế/miễn thuế GTGT do sự phức tạp trong công tác quản lý và số lượng giao dịch quá lớn. Tuy nhiên, chính phủ các nước nhận ra thất thoát số thu ngân sách tiềm năng và đang tạo ra một sân chơi bất bình đẳng cho hàng sản xuất trong nước. Vì vậy, nhiều nước đã áp thuế GTGT đối với các lô hàng nhập khẩu thuộc loại hình này, điển hình như Singapore, Australia, Nauy, Anh, EU…
Tại Việt Nam, trị giá hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh được miễn thuế mỗi năm lên đến 27.000 tỷ đồng. Nếu thực hiện thu thuế GTGT 10%, ngân sách nhà nước sẽ có thêm 2.700 tỷ đồng/năm. Nhưng quan trọng hơn, các doanh nghiệp nội địa cũng giảm phần nào áp lực cạnh tranh.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10: “Lâu nay, doanh nghiệp sản xuất như May 10 phải chịu thuế GTGT, trong khi đó, những đơn hàng giá trị nhỏ nhập khẩu bán qua thương mại điện tử có giá thấp hơn, tạo cạnh tranh không lành mạnh”.
Doanh thu bán lẻ nội địa của May 10 hàng năm khoảng 500 tỷ đồng, gần 80% sản phẩm có giá trị dưới 1 triệu đồng, do đó, tác động từ chính sách này tới kinh doanh bán lẻ là tích cực.
Trong khi đó, đại diện thương hiệu thời trang Erosska cho rằng, việc ngừng miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng là một động thái cần thiết, bởi chính sách miễn thuế trước đây đã tạo ra cạnh tranh không lành mạnh khi các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử có thể nhập số lượng lớn hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, chia nhỏ đơn hàng để được miễn thuế. Quyết định mới sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh công bằng hơn, bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế.
Ông Đặng Sơn Tùng, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, việc thực hiện thu thuế GTGT với nhóm hàng hóa này đảm bảo đóng góp công bằng vào tài chính công, vừa tạo ra sân chơi bình đẳng.
Lâu nay, các doanh nghiệp trong nước bị thu thuế GTGT đối với tất cả các giao dịch bán hàng đang ở thế bất lợi so với các nhà cung cấp nước ngoài vận chuyển các lô hàng trị giá nhỏ được miễn thuế GTGT.
Thêm vào đó, áp thuế GTGT cũng có thể đóng góp vào việc bảo vệ người tiêu dùng bằng cách đảm bảo rằng hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nhất định và tuân theo các quy định liên quan.
Do đó, việc áp thuế GTGT đối với các lô hàng trị giá nhỏ nhập khẩu sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng hơn, đồng thời tránh được việc lợi dụng miễn thuế đối với các lô hàng trị giá nhỏ nhập khẩu bị lợi dụng để trốn thuế, đặc biệt với các doanh nghiệp cố tình định giá hàng hóa thấp hơn để ở dưới ngưỡng.
Tuy nhiên, ở góc độ người tiêu dùng, khi thuế GTGT tăng, đồng nghĩa các nhà kinh doanh sẽ tăng giá của các lô hàng trị giá nhỏ, giá hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng. Song, nhìn về dài hạn, tuân thủ thuế GTGT có thể khuyến khích các nhà sản xuất cung cấp thông tin sản phẩm chính xác và đảm bảo hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn, cạnh tranh công bằng hơn.
“Việc tạo ra sân chơi bình đẳng do thực hiện áp thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh hiệu quả hơn, khuyến khích họ đầu tư mở rộng sản xuất”, ông Đặng Sơn Tùng cho hay.