Thử thách với Bạch Mộc Lương Tử

(ĐTCK) Ngồi trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử ngắm mây, ngắm núi, ngắm mặt trời mọc rồi lặn để hít hà thứ không khí trong lành, tự do…mới thấy cuộc đời của những người trên núi là hạnh phúc nhất.

Nếu chán Fasipan, hãy lên Bạch Mộc Lương Tử

Bạch Mộc Lương Tử là một đỉnh trong dãy núi cùng tên, ở ranh giới tự nhiên giữa Lào Cai và Lai Châu. Nằm ở độ cao 3.046 m so với mực nước biển, với tổng quãng đường đi bộ khoảng 31 km, Bạch Mộc Lương Tử được xếp là đỉnh núi cao thứ 4 ở Việt Nam, sau Fansipang, Putaleng, Pusilung.

Từ một đỉnh núi hoang vắng, vốn chỉ là nơi để người Mông chăn nuôi, trồng trọt, 5 năm trở lại đây, Bạch Mộc Lương Tử bỗng trở thành địa điểm hấp dẫn của những người thích leo núi mạo hiểm, đặc biệt là sau khi cáp treo ở Fansipan được lắp đặt (2013).

Cái tên Bạch Mộc Lương Tử mỹ miều thường khiến người ta liên tưởng đến vẻ đẹp thơ mộng, hiền hòa chứ không nghĩ nó hiểm trở, phức tạp đến thế. Để lên đỉnh thành công, thể lực là thứ quan trọng nhất. Vì vậy, trước đó 2 tuần, tôi ngày nào cũng phải đi bộ 30 tầng cầu thang đến khi lên hơi thở không đổi, xuống đầu gối không đau thì hành trình mới sẵn sàng.

Hôm chúng tôi lên đường, trời mưa, mù và lạnh. Những làn sương cuộn chặt đỉnh núi không chịu bay lên trời. Nhiều người Mông quanh đó bảo do sương chưa lấy đủ nước nên không chịu đi. A Chư - người dẫn đường của chúng tôi cùng 2 người nữa đã chờ sẵn ở bến xe Lai Châu để đón cả đoàn vào chân núi.

A Chư nhanh nhẹn, tháo vát, khéo chiều khách và rất biết ăn nói. Anh cũng rất thích chụp ảnh và được chụp ảnh. Đi đường gặp góc đẹp, cảnh đẹp là A Chư dừng lại rủ mọi người chụp cùng ngay.

Gian nan chinh phục Bạch Mộc Lương Tử

Có thể chia hành trình chinh phục Bạch Mộc của chúng tôi làm hai chặng: Chặng đầu tiên leo từ độ cao 835 m tới lán nghỉ 2.100 m (với 2 km đường dốc dài); Chặng hai từ 2.100 m lên đến đỉnh 3.046 m.

Gần như toàn bộ hành trình chỉ có “với tay lên trời”, nên Bạch Mộc không phải nơi dành cho người dễ nản chí, sợ độ cao, hay những người yêu thích kiểu du lịch nhẹ nhàng. Dãy núi này là mơ ước, cũng là đích đến cần phải chinh phục của những người lúc nào cũng sục sôi máu phiêu lưu mạo hiểm.

Ở km đầu tiên, đường khá bằng phẳng nên hãy còn thấy tiếng chúng tôi bông đùa với nhau. Nhưng từ quãng 1.000 m, chỉ còn tiếng thở hòa lẫn tiếng mưa rừng. Lặng lẽ. Âm thầm. Hết dốc này đến dốc nọ. Hàng chục cái dốc cao uốn lượn như đường lên cổng trời.

Những đôi giày vải bê bết bùn đất, áo quần lấm lem chuyển từ xanh đỏ sang nâu sậm lúc nào không hay. Kinh nghiệm leo những ngọn núi cao như vậy là bạn phải đi đều chân, tập trung vào nhịp thở và chỉ thật mệt mới nên nghỉ.

Càng lên cao mưa càng nặng hạt. Nước mưa quất vào mặt đau rát không mở được mắt mà đi. Gặp đoạn đường trơn trượt, những bước chân nặng hơn tưởng như không cất lên nổi. Không ít bạn bè đi cùng tôi trượt chân vồ ếch liên tục trong tiếng cười giòn tan. Để hạn chế việc việc té ngã, mỗi người phải bẻ một nhánh cây rừng làm gậy chống. Người sau bám người trước. Cứ thế nhìn xuống vết chân người trước mà giẫm vào.

Đoàn chúng tôi cứ cặm cụi đi, cặm cụi thở. Qua dốc lại dốc. Cứ ngừng là A Chư lại nhắc “sắp đến rồi, còn tí nữa thôi”. Ôi cái tí nữa của người Mông sao mà dài đến thế. Leo mãi, leo mãi tới 7h tối cả đoàn mới đến lán nghỉ 2.100 m - thực ra là một mái nhà quây tôn của A Chư. Lán kê cao hơn mặt đất, có miếng dán cách nhiệt để tránh lạnh.

Tối đầu tiên ở trại, chúng tôi ăn như người nhịn đói cả tuần. Các tiểu thư thành phố ở nhà mỗi ngày luyệt “lâu cáp”, bấm tay tính từng calo, giờ ném đũa dùng tay. Bát ướt, cơm sống, thịt gà kho mặn, trong nồi canh lơ thơ vài cọng rau, mà roẹt roẹt cái là hết veo.

Nửa đêm hôm đó, trời đổ mưa to không ngớt. Sương đêm, lạnh và buốt giá. Chúng tôi co ro ôm nhau trong từng túi ngủ. Mệt run người và lạnh thấu xương. Hai hàm răng lập cập va vào nhau. Hai đầu gối chùng xuống vì mỏi.

-----***----

Thế mà mới 5h sáng, A Chư đã giục mọi người dậy ăn mì tôm trứng. 6h chúng tôi lại tiếp tục lên đỉnh trong mưa, nói đúng ra là lê lên đỉnh. Đoạn từ 2.100 m lên Bạch Mộc đúng là khủng khiếp trong cơn mưa rừng. Nhiều đoạn dốc dựng đứng bên vực thẳm. Trời cứ mưa, ngay cả giày leo núi chuyên nghiệp cũng chỉ vài mét đường đã phẳng lì. Có những bậc muốn leo đầu gối phải thu sát ngực. Chúng tôi vừa bò vừa tự hỏi lên xong thì mình xuống kiểu gì.

Đường lên Bạch Mộc từ 2.100 m gần như không có đoạn nào bằng phẳng, trừ 100m qua rừng cổ thụ mà chúng tôi ngỡ như lạc vào xứ sở thần tiên. Một tán rừng cổ thụ với đầy rêu phong. Khi thì gặp nhiều loại kỳ hoa dị thảo như đỗ quyên, hoàng liên, lan rừng…, khi thì là một vạt đá rong rêu nhuốm màu thời gian lấm tấm, lóng lánh sương mai.

Từ 2.800 m là đoạn sống lưng khủng long chênh vênh giữa các đỉnh núi với hai bên thăm thẳm là vực. Một vài đoạn, người ta đã dựng những cây cầu gỗ cho dễ đi. Đoạn dốc cuối cùng cao và khá dài. Cao thế này chắc còn lâu người ta mới nghĩ đến chuyện xây dựng cáp treo ở đây.

Chúng tôi cứ lê lết như thế đến chừng 2h chiều thì lên đỉnh và chinh phục thành công “Bạc Mặt Lương Tử”. Cảm giác lúc ấy như nào ư? Vừa nhẹ nhõm, hứng khởi, nhưng đa phần chắc tự hỏi giờ không biết xuống bằng cách nào.

Trời bấy giờ đã chuyển dạ từ mưa sang nắng. Từ đây nhìn xuống chỉ thấy toàn mây là mây. Mây trắng xóa bồng bềnh thành từng lớp sóng. Các sóng mây xô nhau ôm lấy những đỉnh cao. Núi ẩn trong mây, mây vờn quanh núi, cả một không gian đậm chất thần tiên cổ tích như vậy chắc mới đủ khiến người ta vượt mọi gian khổ, hiểm nguy đến đây chinh phục Bạch Mộc Lương Tử.

Cảnh sắc trong veo thanh khiết giữa gió núi mây ngàn. Lảnh lảnh. Trong lành. Ngọt ngào. Khuôn mặt những thiếu nữ đứng bên tôi, chợt sáng bừng, đôi mắt họ trong veo. Đôi môi như hé cười ngây thơ ngơ ngác. Lần đầu tiên tôi bắt gặp trong lòng mình cảm giác nhẹ nhõm thanh thản đến kỳ lạ.

Sau 30 phút chinh phục đỉnh, A Chư đã gọi cả đoàn xuống núi vì sợ trời tối. Đường xuống trơn trượt hơn hẳn khi leo lên. Việc leo trèo 30 tầng cầu thang mỗi ngày giờ mới có dịp phát huy tác dụng. Bạn có thể leo lên bằng ý chí, chứ khi xuống mà không luyện tập gì, thì rất nguy hiểm.

Chúng tôi xuống lán 2.100 m khi trời đã tối hẳn. Ngủ một giấc lấy lại sức để 6h sáng hôm sau, A Chư đưa cả đoàn đi chinh phục núi Muối cạnh đó. Từ lán ra đó chỉ cỡ 700 m và hầu hết là đường bằng.

Núi Muối đẹp như một nàng tiên chìm sâu trong giấc ngủ trăm năm. Sáng sớm, núi vẫn còn mải mê ôm mây, còn mây ấp núi khiến lòng người cũng thèm được ùa vào… Mây trắng xôm xốp, nhô lên mỏng manh giữa núi rừng đầy hoa dại. Hoa mọc dưới đất, hoa bám trên cành, đến cả những cọng cỏ cũng trổ hoa liu riu ngút ngát.

Từ khi Fansipan lắp đặt cáp treo, Bạch Mộc Lương Tử bỗng trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho những người thích leo núi và chinh phục đỉnh cao. Việc du khách đến khám phá đỉnh núi đã góp phần tạo ra một nguồn thu nhập ổn định hơn cho người địa phương thông qua việc dẫn đường và vận chuyển hành lý. Thậm chí, vào những dịp lễ khách tăng đột biến, còn không có đủ người địa phương tham gia dẫn các đoàn.

Tuy nhiên, đến nay, ngoài cảnh sắc thiên nhiên sẵn có, trăn trở nhất của 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu là việc nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch an toàn và tiện nghi hơn cho du khách. Vì vậy, để Bạch Mộc Lương Tử trở thành một điểm đến bổ ích, thú vị mà không xô bồ, Lào Cai và Lai Châu còn bộn bề những việc phải làm….

“Bạc Mặt Lương Tử” ơi, tạm biệt nhé!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Thùy Linh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục