Không tăng tổng mức đầu tư, tự hoàn vốn bằng % được hưởng
Hiện, Chính phủ đồng ý cho hai nhà đầu tư triển khai TPTĐ là liên danh Tasco - VETC và Ngân hàng Vietinbank. Trong khi, Vietinbank đang làm lại thủ tục đầu tư tổng thể thì “ông lớn” Tasco đã được cấp chứng nhận đầu tư, ký hợp đồng BOO với Bộ GTVT, gấp rút dán thẻ, cấp tài khoản cho chủ xe trên toàn quốc và đã đưa 5/28 trạm vào vận hành thu phí tự động.
Tuy nhiên, công nghệ TPTĐ được đầu tư trong bối cảnh hầu hết các trạm thu phí đã được xây dựng (với chi phí đầu tư cho trạm thu phí một dừng trung bình khoảng 50 tỷ đồng/trạm), liệu phần đầu tư mới của liên danh Tasco-VETC có tiếp tục làm tăng phí dự án?
Theo ông Lâm, nếu xác định áp dụng TPTĐ ngay trong quá trình xây dựng dự án, tổng mức đầu tư dự án BOT sẽ tiết kiệm được khoảng 50 tỷ cho hạng mục xây trạm thu phí (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng hai bên trạm, xây dựng nhà điều hành, máy móc thiết bị…) do khi lắp đặt hệ thống thu phí tự động từ đầu sẽ tiết kiệm được mặt bằng, chi phí xây dựng trạm thu phí, nhà điều hành.
Quay trở lại mức hưởng thụ của nhà đầu tư TPTĐ được quan tâm lâu nay. Theo đó, Bộ GTVT đã chốt trong hợp đồng BOO, liên danh Tasco - VETC được hưởng đồng đều 8% trên tổng số phí thu được. Trong khi, theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, tại hợp đồng BOT trước đây, chi phí thu phí được duyệt thường ở mức 7-8% (cá biệt có dự án trên 10%-20%).
Nhiều nhà BOT cũng cho rằng, mức phí mà liên danh Tasco –VETC được hưởng là cao. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, 7-8% trên tổng doanh thu mà các nhà BOT đang được hưởng với dịch vụ thu phí bằng tay hoàn toàn chỉ để sử dụng cho việc vận hành thu phí theo phương thức cũ. Trong khi, trong tổng mức phí 8% trên tổng doanh thu thu được nhờ sử dụng hệ thống TPTĐ chỉ có 3% trong đó dùng cho việc vận hành, 5% còn lại để hoàn vốn đầu tư hệ thống thu phí tự động cũng như bảo trì, duy tu, thay thế thiết bị tại trạm... Như vậy, rõ ràng việc áp dụng hệ thống thu phí tự động là hoàn toàn “rẻ” hơn về mặt vận hành nhiều lần so với công nghệ “thu tay” - một hình thức mà người dân luôn lo ngại “khuất tất” hiện nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm hoàn thiện Cao tốc Bắc - Nam thì việc lưu lượng trên QL1A sẽ giảm tải nhanh chóng, đồng nghĩa với việc các nhà BOT phải chịu áp lực về chi phí vận hành thực tế. Cụ thể, khi lưu lượng xe giảm thì số tiền mà các nhà BOT được nhận để sử dụng cho việc vận hành giảm theo; trong khi, chi phí để vận hành thu phí bằng tay là cố định. Như vậy, nếu sử dụng dịch vụ TPTĐ (được hưởng theo phần trăm phí thu được), việc lưu lượng giảm đồng nghĩa với việc chi phí sử dụng dịch vụ TPTĐ mà các nhà BOT phải trả cũng giảm theo.
Nhà TPTĐ có dám làm “xiếc” với số tiền thu phí?
Việc giao trạm với nguồn thu hàng tỷ đồng/ngày cho bên thứ ba như liên danh Tasco-VETC là một rào cản tâm lý khó vượt qua đối với bất cứ nhà đầu tư BOT nào. Và đó cũng là điều đáng lo ngại của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát số tiền đóng phí của người dân.
Công đoạn dán thẻ Etag (chứa các thông tin, dữ liệu về tài khoản thu phí không dừng) lên xe đang được VETC thực hiện trên toàn quốc.
Một chuyên gia về thuế cho rằng, về nguyên tắc, sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại bao giờ cũng minh bạch hơn hẳn so với thu phí thủ công. Tuy nhiên, việc giám sát vẫn rất cần thực hiện để tránh các rủi ro. Về điều này, ông Lâm cho hay, công nghệ mới không dễ gì làm cho các nhà đầu tư tin ngay, nhưng liên danh Tasco-VETC sẽ đáp ứng mọi yêu cầu hậu kiểm, giám sát và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước các sai sót do hệ thống. Để dễ dàng hậu kiểm, dữ liệu thu phí sẽ được sao lưu để nhà đầu tư và các cơ quan chức năng giám sát trọn đời dự án.
Ngoài camera chụp biển số từng xe, VETC sẽ lắp đặt camera quay từng làn thu phí của mỗi chiều đường theo thời gian thực để phục vụ hậu kiểm. Vậy, nếu chưa tin vào số liệu thì có thể so sánh chi tiết từng giây, từng phút các video quay 24h/7 ngày để đối soát.
“Trong hợp đồng với các nhà đầu tư BOT ghi rõ: Chúng tôi phải chốt số liệu, chuyển tiền hàng ngày cho nhà đầu tư. Thu sai sẽ bị phạt, thu thiếu phải đền gấp nhiều lần. Hơn nữa, có đến 6 đơn vị, đối tượng có thể cùng lúc giám sát dữ liệu của chúng tôi như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Cơ quan thuế, Tổng cục đường bộ, các nhà BOT và ước tính 2,5 triệu người sử dụng dịch vụ đều có tài khoản vào hệ thống giám sát, kiểm tra số liệu đồng thời, mọi lúc mọi nơi nên chắc chắn con người không thể có cơ hội can thiệp làm sai lệch được dữ liệu” - ông Lâm khẳng định.
Ngoài mức độ chính xác nhờ công nghệ hiện đại, chủ xe đang kỳ vọng nhất ở sự minh bạch của TPTĐ. Ông Lâm cho hay, công nghệ TPTĐ sẽ chấm dứt ngay lập tức tình trạng gian lận vì tất cả đều được quản lý tự động. Thậm chí, ngay cả trường hợp các xe ưu tiên không đúng đối tượng nhưng vẫn “xin” qua trạm sẽ không thể qua được barie của làn TPTĐ. Nếu những điều này thành hiện thực, khả năng tăng doanh thu của trạm, rút ngắn thời gian thu phí đường BOT hoàn toàn có khả năng hiện thực hoá.