Việt Nam sẽ thành công xưởng mới của thế giới
Theo ông John Chong, sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) như một thị trường thống nhất, sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế so với các nước láng giềng, với vai trò là trung tâm sản xuất của cả khu vực. Xét trên nhiều khía cạnh, câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam phản ánh cục diện lớn hơn của khu vực ASEAN.
Ngày nay, Việt Nam là một nền kinh tế đang trỗi dậy có thu nhập trung bình với tiềm năng tăng trưởng to lớn. Tỷ lệ người được đào tạo và biết chữ tăng mạnh và hơn 30 triệu người đã thoát nghèo. GDP bình quân đầu người từ dưới 300 USD đã tăng lên gần 2.000 USD trong hai thập niên qua.
Hơn 40% dân số Việt Nam ở độ tuổi dưới 25 tuổi, chi phí lao động của Việt Nam chỉ bằng một nửa chi phí tại Trung Quốc, Thái Lan và Philippines, qua đó giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế đặc biệt cạnh tranh trong một khu vực vốn đã rất hấp dẫn như ASEAN.
“Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố cơ bản của sự thịnh vượng. Đó là một vị trí chiến lược gần chuỗi cung ứng toàn cầu; nguồn nhân lực dồi dào, chi phí thấp, có trình độ và siêng năng; tầng lớp tiêu dùng ngày càng gia tăng; môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định”, ông John Chong khẳng định.
Các diễn giả tham dự Hội thảo nhận định, các lợi thế sẵn có như vị trí địa lý, chi phí lao động rẻ… đã giúp Việt Nam thu hút được thêm nhiều nguồn vốn FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cạnh tranh thu hút vốn trong khu vực đang rất gay gắt, nếu Việt Nam không tích cực cải thiện môi trường kinh doanh thì rất có thể nguồn vốn FDI trong tương lai sẽ sụt giảm.
Ông John Chong cho rằng, ngoài sự hình thành AEC, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là yếu tố tích cực giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI. Nhiều NĐT đã chuẩn bị các hoạt động đầu tư vào Việt Nam để đón đầu cơ hội từ TPP khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Cùng với việc thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội thu hút dòng vốn ngoại vào TTCK.
Thu hút vốn ngoại vào TTCK, cách nào?
Để thu hút dòng vốn ngoại đầu tư vào TTCK Việt Nam, việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) là một trong nhiều giải pháp được các diễn giả nhắc tới. Tuy nhiên, theo ông Andy Hồ, Chủ tịch Hội đồng Đầu tư VinaCapital, việc triển khai NVDR sẽ thu hút thêm nguồn vốn ngoại vào TTCK nhưng không ồ ạt, mà giải pháp then chốt vẫn là nới room cho nhà đầu tư ngoại.
Việc hầu hết các DN chỉ công bố thông tin bằng tiếng Việt, mà chưa chú trọng đến công bố thông tin bằng tiếng Anh là rào cản lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận thông tin của DN.
Theo ông John Chong, việc nới tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN là hướng đi đúng đắn trong việc thu hút dòng vốn ngoại.
Những đợt cổ phần hóa DNNN trong năm 2014 đến nay dù tỷ lệ đấu giá không như các NĐT kỳ vọng, nhưng lại là những bước đi đầu tiên cho việc phát triển thị trường vốn.
“Không thị trường vốn nào phát triển mà chỉ nhờ vào những đợt IPO hoành tráng. Đây là quá trình từ thị trường vốn non trẻ trở thành thị trường phát triển. Nhìn vào sự phát triển thị trường vốn của các nền kinh tế khác cho thấy, IPO DNNN không chỉ gói gọn trong thị trường Việt Nam, mà có thể mở rộng tại thị trường trong khu vực và thế giới”, ông John Chong nói.
Từ góc nhìn của bà Lê Hồng Liên, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu phân tích (khối khách hàng tổ chức) Maybank Kim Eng Việt Nam, nếu để ý kỹ, vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan cho chương trình cổ phần hóa DNNN.
Thứ nhất, Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có danh mục phân loại DN Nhà nước sở hữu 100% vốn, 70% vốn và 65% vốn.
Tức khung pháp lý đã mở hơn, có thể hiểu những DNNN nằm ngoài danh sách trên sẽ được cổ phần hóa 100%, không những IPO mà còn là thoái vốn sau IPO, thậm chí bán thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách.
Như vậy, năm 2014-2015 có thể xem là năm khởi đầu, sau đó, tỷ lệ đấu giá công khai của DNNN sẽ nhiều hơn, NĐT cũng tham gia nhiều hơn.
Thứ hai, theo Quyết định 51 của Thủ tướng, DNNN đã IPO sau 3 tháng thì phải thực hiện niêm yết trên sàn UPCoM. Cần lưu ý, để niêm yết trên HOSE hay HNX đều phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe, nhưng điều kiện để giao dịch trên sàn UPCoM rất dễ đáp ứng, chỉ cần là DN đại chúng, tức các DNNN đã IPO sẽ có ít lý do để thoái thác việc lên sàn hơn.
“Chủ trương, định hướng đã khá rõ ràng, quan trọng là công tác triển khai trong thời gian tới. Có thể sẽ có làn sóng thứ hai về giảm vốn tại các DNNN và nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia nhiều hơn vào quá trình này”, bà Liên nhận định.