Thu hút FDI vào Quảng Ninh chuyển động tích cực

Kể từ khi tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư (tháng 2/2012) đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, có nhiều dự án đã được triển khai thành công và mang lại hiệu ứng tốt.
Thu hút FDI vào Quảng Ninh chuyển động tích cực

Đầu tiên là phải kể đến là Dự án Nhà máy sợi của Tập đoàn Texhong (Hồng Kông). Đây là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại (300 triệu USD). Hiện Dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Sau sự thành công này, Tập đoàn Texhong tiếp tục mở rộng đầu tư tại Quảng Ninh với Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hải Hà tại Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà, Quảng Ninh). Trong giai đoạn I của Dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 215 triệu USD, Texhong sẽ tiến hành xây dựng trên diện tích 660 ha. Dự kiến, trong tháng 7/2014, Dự án sẽ khởi công.

“Sự đầu tư của Texhong được kỳ vọng sẽ làm hồi sinh Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà”, ông Phùng Danh Đài, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh nhận định.

Quảng Ninh cũng có được những kết quả nhất định trong việc thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản. Đầu tháng 8/2013, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô của Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam (Tập đoàn Yazaki - Nhật Bản). Dự án được xây dựng tại Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh) trên diện tích 70.000 m2, với tổng vốn đầu tư đăng ký 35 triệu USD. Tiến độ triển khai Dự án rất tốt, đảm bảo đúng cam kết. Đến tháng 8/2014, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động chính thức. Sự thành công của dự án này sẽ là sợi dây kết nối hiệu quả giữa Quảng Ninh với nhà đầu tư Nhật Bản.

Bên cạnh đó, còn nhiều dự án đầu tư FDI lớn trên địa bàn tỉnh đang triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch, hoặc chờ chấp thuận chủ trương đầu tư. Đó là Dự án Xây dựng Khu đô thị công nghiệp, công nghệ cao tại tỉnh Quảng Ninh vốn đầu tư 2 tỷ USD của Tập đoàn Amata (Thái Lan); Dự án Khu du lịch phức hợp cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn vốn đầu tư 7 tỷ USD của Tập đoàn ISC (Mỹ); Dự án Sản xuất giấy cao cấp Duplex vốn đầu tư 800 triệu USD của Tập đoàn Sambo (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Việt Hưng…

Ông Đài cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã thẩm định, phê duyệt 21 hồ sơ đề nghị chấp thuận địa điểm lập quy hoạch, phê duyệt, hoặc phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng xây dựng công trình tỷ lệ 1/500.

Trong số các khu kinh tế, khu công nghiệp hoạt động tại Quảng Ninh, Khu kinh tế Vân Đồn nhận được sự quan tâm lớn của tỉnh, cũng như của nhà đầu tư. Tháng 3/2014, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội thảo quốc tế về đặc khu kinh tế, nhằm học hỏi kinh nghiệm để xây dựng mô hình đặc khu kinh tế cho Khu kinh tế Vân Đồn. Hiện khu kinh tế này đang được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên đầu tư hạ tầng để tạo động lực thu hút nhà đầu tư.

“Thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức triển khai lập các quy hoạch phân khu chức năng, gồm 9 quy hoạch; trong đó, 3 quy hoạch phân khu đã được phê duyệt (Khu đô thị Cái Rồng, quy hoạch mặt nước nuôi trồng thủy sản Khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2011-2020 và quy hoạch Khu dân cư đảo Cống Đông - Cống Tây xã Thắng Lợi)”, ông Nguyễn Văn Đọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói và cho biết, nhiều dự án xây dựng hạ tầng tại Vân Đồn đang được thực hiện việc giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Chẳng hạn, Dự án Xây dựng hạ tầng Khu tái định cư xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) đã phê duyệt phương án bồi thường cho 140 hộ/151 hộ, tổng diện tích đã bàn giao cho chủ đầu tư khoảng 41,92 ha/48,46 ha; Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ Khu tái định cư xã Vạn Yên đến khu công viên phức hợp phía đông đảo Cái Bầu (huyện Vân Đồn) đã bàn giao cho chủ đầu tư khoảng 8,354 km/8,654 km tổng chiều dài tuyến đường...            

Thu Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục