Bài 2: Đồng hành, lớn mạnh cùng Việt Nam
Cả Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết đồng hành trong hành trình “nâng cấp” nền kinh tế Việt Nam lên nấc thang phát triển cao hơn. FDI chính là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế.
Chúng tôi đã ở đây!
Không quá khó để nhận ra, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rất sẵn lòng trả lời câu hỏi do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra, mà Báo Đầu tư đã đề cập ở số trước: “Ai sẵn lòng vào Việt Nam?”.
Câu trả lời không chỉ nằm ở số lượng đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài tới tham dự Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày hôm qua (4/10) tại Hà Nội, cũng như tham dự các chương trình kết nối đầu tư, Triển lãm Thành tựu 30 năm thu hút FDI, mà còn ở các các thỏa thuận đầu tư được công bố ngay tại sự kiện.
Đó là các dự án đầu tư cảng cạn 1,5 tỷ USD, dự án Vietnamobile tăng vốn thêm 800 triệu USD ở Hà Nội, hay các dự án Hyosung 1,3 tỷ USD ở Quảng Nam, dự án điện khí 4 tỷ USD của Delta Offshore Energy ở Bạc Liêu…
Thậm chí, ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch cấp cao The Grand Hồ Tràm Strip - dự án có vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD, còn khẳng định: “Chúng tôi đã ở đây. Ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận, rất nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam. Chúng tôi đã mang đến Việt Nam vốn đầu tư, công nghệ, kỹ năng quản lý…, qua đó có tác động tích cực tới kinh tế - xã hội Việt Nam”, ông Michael Kelly nói.
Các nước muốn thành công đều phải dựa vào một nền giáo dục tốt, Việt Nam cũng phải như vậy. Đồng thời, cần quan tâm phát triển hạ tầng cơ sở về giao thông, năng lượng, nếu không thì không thu hút FDI mới được
- Ông Tomaso Adreatta, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam
Vị Chủ tịch của AmCham còn nhắc tới con số thống kê về tình hình đầu tư của Mỹ vào Việt Nam (hơn 8,87 tỷ USD, đứng vị trí thứ 11 - PV) để nói rằng, “con số thống kê chính thức thấp quá, nhưng sự thật không phải như vậy, Mỹ là nhà đầu tư lớn của Việt Nam”. Một trong những lý do là một số nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ 3.
“Ví dụ, với dự án của Intel, ai cũng biết đó là nhà đầu tư Mỹ, nhưng lại đăng ký qua Hồng Kông. Hay P&G, đăng ký qua công ty con ở Singapore.
Ngay cả dự án của chúng tôi, Hồ Tràm Strip - đã triển khai được hơn 1 tỷ USD, nhưng cũng lại được tính cho các nhà đầu tư Canada. Thực sự, chúng tôi đã đầu tư lớn vào Việt Nam, từ đồ uống, ô tô, máy bay, phần mềm, cả các dự án nông nghiệp… và đã đóng góp hiệu quả, thực chất cho kinh tế - xã hội Việt Nam”, ông Micheal Kelly nói và một lần nữa khẳng định, sẽ tiếp tục đến và ở lại với Việt Nam.
Không chỉ nhà đầu tư Mỹ, mà các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đã lên tiếng khẳng định điều này. Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO (Nhật Bản) cho biết, ông đã rất vui mừng khi số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong 20 năm, kể cả về số lượng và quy mô vốn, tương đương đầu tư vào Thái Lan trong 40 năm.
“Chúng tôi đã luôn đề xuất các cơ hội kinh doanh mới ở Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tới điều đó. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được đồng hành với Việt Nam, không chỉ là cùng đầu tư, kinh doanh, mà còn hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới”, ông Hironobu Kitagawa nói.
Thậm chí, theo chia sẻ của ông Kim Young Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), “Việt Nam chính là chìa khóa tương lai của các doanh nghiệp Hàn Quốc”.
Đó là lý do khiến 30 năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết đầu tư vào Việt Nam hơn 334 tỷ USD vốn FDI, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Giờ đây, họ lại tiếp tục cam kết đồng hành với Việt Nam trong hành trình đi đến thịnh vượng.
Thông điệp đổi mới và cam kết đồng hành
Giống như tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 1991, tại Hội nghị 30 năm thu hút FDI lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ khẳng định nhất quán khu vực FDI luôn là “một bộ phận quan trọng của nền kinh tế”, mà Thủ tướng còn nhấn mạnh việc Việt Nam sẽ thực hiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài với nội hàm mở rộng hơn, với mục tiêu nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, Nhà nước, xã hội và bảo vệ tốt môi trường.
“Phải thúc đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, công nghệ chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Khuyến khích FDI vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tập trung hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư có công nghệ mới sáng tạo, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế để hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trước đó, khi phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thẳng thắn chia sẻ những định hướng chiến lược mới trong thu hút FDI trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, mục tiêu tổng quát trong thời gian tới của Việt Nam là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư có vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Thông điệp này đã ngay lập tức nhận được sự đồng tình của các nhà đầu tư nước ngoài. Chia sẻ với Báo Đầu tư, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong thu hút FDI, nhưng quan trọng là giữ chân được nhà đầu tư đó và tiếp tục thu hút nhà đầu tư mới.
“Nếu so sánh với các quốc gia như Philippines, Thái Lan thì xếp hạng của Việt Nam là rất tốt. Quan trọng là phải giữ vững được niềm tin đó của nhà đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa, phải lựa chọn, sàng lọc dự án có đóng góp cho Việt Nam, chứ không phải nhà đầu tư nào cũng chấp nhận. Ở chiều ngược lại, phải tạo môi trường ổn định cho nhà đầu tư, đừng thanh tra, kiểm tra quá nhiều”, ông Don Lam nói.
Trong khi đó, ông Tomaso Adreatta, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, để giữ chân và thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp FDI, cũng như để tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp tạo thêm nhiều giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
“Các nước muốn thành công đều phải dựa vào một nền giáo dục tốt, Việt Nam cũng phải như vậy. Đồng thời, cần quan tâm phát triển hạ tầng cơ sở về giao thông, năng lượng, nếu không thì không thu hút FDI mới được”, ông Tomaso nói.
Thông điệp đổi mới đã được đưa ra. Các cam kết đồng hành cũng đã được khẳng định. Theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tới đây, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện.
Với quyết tâm chính trị lớn như vậy, nhiều kỳ vọng đang được đặt ra về chặng đường thu hút FDI của Việt Nam trong 20-30 năm tới.
(Còn tiếp)