Thu hút FDI: Một góc nhìn mới

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cố vấn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Giám đốc Trung tâm hòa giải tranh chấp thương mại Việt Nam chia sẻ những góc nhìn mới trong thu hút FDI vào Việt Nam.

Thưa ông, là người có nhiều năm tham gia lĩnh vực lập pháp của Quốc hội và nay là cố vấn của một cơ quan hợp tác quốc tế, ông đánh giá thế nào về bức tranh thu hút FDI của Việt Nam?

Sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta đã có 26.500 dự án đến từ 129 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 334 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt trên 185 tỷ USD. Nguồn vốn này đã đóng góp to lớn cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát huy mạnh mẽ các nguồn lực trong nước. Hiện FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp khoảng 20% GDP. 

Thành quả đó đã chứng minh cho đường lối mở cửa đúng đắn của Việt Nam, đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn của các ngành, các cấp và các thành phần kinh tế trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

 TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Một trong những hoạt động góp phần quan trọng trong thu hút FDI vào Việt Nam chính là xúc tiến đầu tư, ông đánh giá thế nào về vai trò của công tác này?

Hoạt động xúc tiến đầu tư có vai trò rất to lớn, với sự tham gia đa dạng của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để hướng dẫn, tư vấn và kết nối nhà đầu tư nước ngoài về các cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, như các Trung tâm Xúc tiến đầu tư (của Cục đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; của UBND các tỉnh, thành phố và của BQL các Khu công nghiệp); Khối các tổ chức, hiệp hội có VCCI, Hiệp hội các nhà đầu tư, Hội hợp tác phát triển kinh tế… Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư còn có sự tham gia của các tổ chức nước ngoài đóng tại Việt Nam, như: Phòng thương mại và công nghiệp (Eurocham, CCIFV, KCCI, JCCI…); Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại (KOTRA…), Tổ chức thương mại (JETRO, UBIFRANCE…); Hiệp hội các doanh nghiệp (DBAV, INCHAM…).

Hoạt động xúc tiến đầu tư của các tổ chức trên đã góp phần giúp cho Việt Nam có được kết quả tích cực trong thu hút FDI những năm qua.

Nhìn vào bức tranh doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, chúng ta thấy vẫn thiếu vắng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) nước ngoài, quan điểm ông về vấn đề này?

Đúng là như vậy! Ở góc độ vĩ mô, chúng ta đã thực hiện có hiệu quả công tác kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa làm được điều này đối với các SMEs, các nhà đầu tư cá nhân quốc tế. Đây chính là lực lượng đông đảo, có tiềm năng vô cùng lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. 30 năm trước, Việt Nam hội nhập với xuất phát điểm kinh tế thấp, chúng ta cần tập trung thu hút các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn, thì trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm thỏa đáng đến việc thu hút SMEs nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Chúng ta có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp này.

Thu hút FDI: Một góc nhìn mới ảnh 2

Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương (ngồi, ngoài cùng bên phải) cùng các nhà thầu tại lễ ký hợp đồng thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, xây dựng và lắp đặt Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. 

Đâu là chìa khóa để chúng ta khai thác được thị phần này?

Tại Việt Nam, xúc tiến đầu tư được tổ chức ở nhiều cấp, nhiều ngành, với quy mô và lĩnh vực khác nhau, thông qua các phương thức như: Tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư; tổ chức các đoàn công tác, khảo sát ở trong và ngoài nước... Nhưng phần lớn các hoạt động xúc tiến đầu tư đó chỉ dừng lại ở những hoạt động bề nổi, dẫn đến cung - cầu đầu tư chưa gặp nhau.

Việc thiếu hụt các mô hình trung gian uy tín trong kết nối đầu tư, thiếu hụt các kênh truyền thông, quảng bá chuyên sâu… đã khiến cho thu hút các SMEs nước ngoài không đạt hiệu quả mong muốn. Bên cạnh đó, việc thiếu hỗ trợ, kết nối, đồng hành với nhà đầu tư sau xúc tiến đầu tư, trong quá trình triển khai dự án đã tạo ra sự e ngại cho các SMEs nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.

Như vậy, chìa khóa của việc thu hút đầu tư của các SMEs chính là xây dựng các mô hình trung gian nói trên.

Ngoài các tổ chức xúc tiến đầu tư của nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kết nối, xúc tiến đầu tư, có cơ hội nào để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường này không, thưa ông?

Không phải đến bây giờ doanh nghiệp tư nhân, thậm chí các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia vào hoạt động kết nối và xúc tiến đầu tư. Nhiều công ty tư vấn đầu tư, du lịch, công ty tư vấn luật cả trong và ngoài nước đã tham gia khai thác thị trường này, nhưng để kết nối và xúc tiến đầu tư bài bản thì tôi chưa thấy doanh nghiệp cụ thể nào. Theo nhiều chuyên gia, hạn chế trên xuất phát từ nguồn lực tài chính, nhân sự, kinh nghiệm và đặc biệt là thiếu tầm nhìn và một chiến lược tổng thể.

Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, tham gia ngày càng nhiều hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, thì cơ hội kết nối và xúc tiến đầu tư sẽ được mở ra ngày một nhiều hơn. Đây là một thị phần to lớn đang mở ra cho tất cả các doanh nghiệp và doanh nhân.

* Việc kết nối và hỗ trợ xúc tiến đầu tư của Tập đoàn Thái Bình Dương hướng đến đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trong và ngoài nước, và các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu.

* Việc kết nối và hỗ trợ xúc tiến đầu tư của Tập đoàn Thái Bình Dương sẽ tập trung vào các lĩnh vực:

1. Các dự án năng lượng

2. Công nghiệp phụ trợ

3. Hạ tầng kỹ thuật (Cảng biển, đường giao thông)

4. Tổng thầu EPC các công trình công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật

5. Bất động sản thương mại và du lịch

* Tập đoàn Thái Bình Dương sẽ là đầu mối duy nhất để kết nối, đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc tìm kiếm và quyết định lựa chọn cơ hội, dự án đầu tư.

Gặp gỡ mùa Xuân: Kết nối và hỗ trợ xúc tiến đầu tư tại Việt Nam

Đầu Xuân 2019, Tập đoàn Thái Bình Dương sẽ tổ chức chương trình “Gặp gỡ mùa Xuân: Kết nối và hỗ trợ xúc tiến đầu tư tại Việt Nam”. Trong chương trình, Tập đoàn Thái Bình Dương sẽ công bố Đề án “Kết nối và hỗ trợ xúc tiến đầu tư”.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương là doanh nghiệp hoạt động đa ngành. Quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh của Tập đoàn phát triển tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam và một số nước trong khu vực.

Trong những năm qua, Tập đoàn Thái Bình Dương đã liên doanh, liên kết với một số đối tác lớn của khu vực và thế giới để triển khai đầu tư một số dự án công nghiệp tỷ đô la và tự mình triển khai thực hiện các dự án với tổng số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, như: Nhà máy điện gió Thái Hòa, nhà máy điện mặt trời Thái Phong, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Đặc biệt, trong lĩnh vực tổng thầu EPC Tập đoàn đã cùng với các nhà thầu Mitsubishi (Nhật Bản), Doosan (Hàn Quốc), PEEC2 thực hiện Tổng thầu dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Trong đó, nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 hoàn thành sớm hơn kế hoạch và được Bộ Xây dựng công nhận là một trong 5 công trình tiêu biểu của cả nước nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành xây dựng Việt Nam.

Hiện nay, Tập đoàn Thái Bình Dương không những đang thực hiện tốt các dự án trong nước mà đã và đang xúc tiến triển khai một số dự án khác ở các nước trong khu vực. Để triển khai các dự án nói trên, Tập đoàn Thái Bình Dương đã hợp tác với những tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước, như: Mitsubishi, Sojitz Corporation, Kyushu Electric, EDF, Doosan… Trong mọi hoạt động, Tập đoàn Thái Bình Dương luôn hướng tới giá trị đích thực. Chính vì vậy, Tập đoàn Thái Bình Dương đã và đang nhận được sự tin cậy của đối tác, các cơ quan từ trung ương đến địa phương, nơi Tập đoàn đầu tư kinh doanh. Đây là lợi thế của Tập đoàn Thái Bình Dương trong việc tạo thêm nhiều cơ hội, tiềm năng trong kết nối và hỗ trợ xúc tiến đầu tư.

Trong đầu tư, kinh doanh, thấu hiểu văn hóa địa phương là một chìa khóa quan trọng mở ra sự thành công. Tập đoàn cũng đã và đang hỗ trợ nhiều đối tác nước ngoài trong quá trình hoàn tất thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của dự án, giúp cho tiến trình của dự án được triển khai đúng quy định, phù hợp với thực tế và đảm bảo tiến độ yêu cầu. Qua việc kết nối này, Tập đoàn Thái Bình Dương đã tạo dựng được hình ảnh và dấu ấn nhất định trên thương trường, với các đối tác, khách hàng, đặc biệt là đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc…, và ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến Tập đoàn để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kết nối đầu tư.

Thời gian qua, Tập đoàn Thái Bình Dương đã đưa vào khai trương Phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tại trụ sở chính tại Hà Nội. Tại đây, Tập đoàn đã và đang lưu giữ, bảo quản gần 1.000 tác phẩm hội họa, trong đó có gần 500 tác phẩm hội họa của một số họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam được Tập đoàn mua từ nhà sưu tập nước ngoài để đưa về trưng bày trong nước. Thông qua việc sưu tầm, đưa vào trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, và thông qua các hội thảo, triển lãm, chương trình giao lưu, gặp mặt… Tập đoàn sẽ tạo cầu nối giao lưu văn hoá, gắn kết đầu tư, giúp cho các nhà đầu tư vừa thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật, vừa giao lưu, trao đổi cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam. Đây sẽ là một trong những kênh kết nối và hỗ trợ xúc tiến đầu tư quan trọng và riêng có của Tập đoàn Thái Bình Dương.

Minh Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục