Cùng với các hoạt động khoa học, công nghệ quan trọng, đã có nhiều thay đổi về chính sách nhằm tạo điều kiện cho thị trường khoa học công nghệ phát triển, thưa ông?
Trong năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP thể chế hóa định hướng của Quốc hội và Chính phủ coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, với hàng loạt giải pháp quan trọng.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 10/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Cùng với đó, nhiều hoạt động xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ được triển khai như Techmart, Techdemo, Techfest…, góp phần giới thiệu các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp, tạo môi trường kết nối hai chiều giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học, thúc đẩy kết nối và phát triển các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…
Chính phủ đã có những chính sách nào khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là các quỹ mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo?
Đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP, trong đó có các định hướng xây dựng chính sách tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành tham mưu, xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì tham mưu, xây dựng những quy định về việc doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của mình đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trong Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.
Bộ còn tham mưu Chính phủ ban hành Công văn số 1128/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ về thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước; yêu cầu các bộ, ngành phối hợp, nghiên cứu đề xuất, ban hành các chính sách mới về thu hút nguồn đầu tư từ đại chúng.
Thưa ông, định hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 có gì đặc biệt nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ thời gian tới?
Trong năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào việc xây dựng văn bản pháp luật, tổ chức các sự kiện xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến giao dịch vốn hóa tài sản trí tuệ; đề xuất cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy việc khai thác, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Tiếp tục tổ chức các sự kiện xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ; các sự kiện thường niên về xúc tiến phát triển thị trường công nghệ, tập trung vào nâng cao hiệu quả xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ ở thị trường trong nước và quốc tế kèm theo cơ chế bảo đảm nắm bắt thông tin, tiếp tục hỗ trợ và đẩy mạnh giao dịch giai đoạn hậu xúc tiến, kết nối, đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Tổ chức đoàn xúc tiến kết nối với thị trường công nghệ quốc tế...