Việt Nam, điểm đến của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Không phải ngẫu nhiên mà có tới hơn 100 quỹ đầu tư sẽ có mặt tại sự kiện Vietnam Venture Summit 2019 ngày hôm nay (ngày 10/6). Câu trả lời đến từ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Năm 2018, các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD vốn từ các quỹ đầu tư, gấp 5 lần so với năm 2016. Trong ảnh: Công ty cổ phần FastGo Việt Nam và Vinacapital Ventures ký kết thỏa thuận đầu tư chiến lược. Năm 2018, các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD vốn từ các quỹ đầu tư, gấp 5 lần so với năm 2016. Trong ảnh: Công ty cổ phần FastGo Việt Nam và Vinacapital Ventures ký kết thỏa thuận đầu tư chiến lược.

Thị trường hấp dẫn

Một cách hồ hởi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi trao đổi với báo giới trước thềm Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) đã nhắc tới con số hơn 100 quỹ đầu tư đăng ký tham dự Diễn đàn. Ông muốn nhấn mạnh về “sức hấp dẫn” của thị trường đổi mới sáng tạo Việt Nam.

“Ban đầu, con số dự kiến chỉ khoảng 80, nhưng nay đã tăng lên hơn 100 quỹ đầu tư”, Bộ trưởng vui mừng nói và nhắc tới những “dấu hiệu” cho thấy đổi mới sáng tạo sẽ bùng nổ ở Việt Nam trong thời gian tới.

Các dấu hiệu đó không chỉ đến từ quy mô thị trường gần 100 triệu dân, đang phát triển nhanh đối với các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, có tầng lớp trung lưu với khả năng chi trả ngày một tăng, mà còn đến từ con số 67% dân số sử dụng Internet, 57% dân số tích cực sử dụng mạng xã hội và 73% dân số có điện thoại cá nhân. Hơn nữa, thái độ của người Việt Nam đối với công nghệ rất tích cực; có tới 61% số người được hỏi cho rằng, các công nghệ mới mang lại nhiều cơ hội hơn rủi ro và 63% thích hoàn thành nhiệm vụ bằng kỹ thuật - công nghệ hơn vào bất cứ khi nào có thể.

Quan trọng hơn, Việt Nam có nguồn cung cấp kỹ sư công nghệ đông đảo, kỹ năng cao. Cộng động doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Ước tính, trong năm 2018, đã có hơn 3.000 start-up được thành lập, lớn thứ ba ở châu Á.

“Khi gặp các quỹ đầu tư, chúng tôi đã nói đến tốc độ phát triển nhanh chóng, các tiềm năng của thị trường Việt Nam và đó là lý do vì sao đã có tới 100 quỹ đầu tư đồng ý tới Việt Nam cùng chúng tôi”, ông Vinnie Lauria, đồng sáng lập Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, đơn vị phối hợp tổ chức Vietnam Venture Summit 2019, cũng chia sẻ.

Golden Gate Ventures là một quỹ đầu tư lớn, với quy mô 250 triệu USD, đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 10 triệu USD trong những năm gần đây. Uy tín của quỹ này là một trong những lý do khiến nhiều quỹ đầu tư đã tin tưởng tìm đến Việt Nam trong dịp này.

Tuy nhiên, theo ông Vinnie, yếu tố cốt lõi đến từ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai một loạt chiến lược, kế hoạch để biến Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển bứt phá, có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Chi tiết chưa được tiết lộ đầy đủ, song ông Vinnie cho biết, đã có 12 quỹ đầu tư đã đưa ra các cam kết để thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong sự kiện này. Tất nhiên, trong số đó sẽ có Golden Gate Ventures và đây chính là trái ngọt đầu tiên của mà sự kiện Vietnam Venture Summit 2019 mang lại.

Điểm đến của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Các thảo luận và cam kết chính thức sẽ chỉ có được khi Vietnam Venture Summit 2019 diễn ra. Song các động thái gần đây cho thấy, ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.

Không quá khó để tìm thấy các thông tin về việc các quỹ đầu tư rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Chẳng hạn, CyberAgent Ventures đã đầu tư vào Vật Giá, Foody, TeaMobi, Luxstay… Golden Gate Ventures đầu tư vào Lozi… Hay VinaCapital đầu tư vào FastGo…

Ngày càng có nhiều quỹ đầu tư vào Việt Nam và vì vậy, lượng vốn đầu tư vào các start-up cũng tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo số liệu của Topica Founder Institute, năm 2018, các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư từ các quỹ đầu tư. Con số này gấp 3 lần năm 2017 và gấp tới 5 lần so với năm 2016.

Đặc biệt, năm 2018 có thể coi là “năm được mùa” của giới fintech Việt, khi không chỉ là Momo, mà còn một loạt start-up trong lĩnh vực này, như OnOnPay, eLoan, Moca, Tima, F88, Finhay… đều lần lượt nhận vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Thị trường sôi động đến mức trong một cuộc hội thảo gần đây về vấn đề này, ông Phạm Hợp Phố, Giám đốc Điều hành Viet Capital Asset Management (VCAM) đã khẳng định, “giờ là thời điểm không thể nào tốt hơn để rót vốn vào các công ty công nghệ Việt Nam”.

Theo chia sẻ của ông Phố, chỉ cách đây 10 năm, khái niệm nhà đầu tư thiên thần còn rất xa lạ ở thị trường Việt Nam, và cũng rất khó để thuyết phục các nhà đầu tư này đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã khác.

“Hiện tại, ở Việt Nam, mới chỉ có VNG được xem là kỳ lân, nhưng vài năm nữa sẽ là thời kỳ bùng nổ, sẽ có những kỳ lân mới”, ông Tom Setiawan, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus, cũng nhìn nhận như vậy.

Và đó là lý do ngày càng nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng vốn để đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Thậm chí, điều này còn đang tạo ra một làn sóng để nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, như Vingroup, VinaCapital, FPT… quyết định thành lập các quỹ đầu tư của riêng mình.

Khi Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng các Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và chuyển hướng nền kinh tế sang lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng, thì các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Khi đấy, đúng như dự báo của các quỹ đầu tư, đầu tư vào đổi mới sáng tạo ở Việt Nam sẽ bùng nổ. Việt Nam sẽ thực sự là điểm đến của đầu tư đổi mới sáng tạo.

Điểm nhấn thể chế

Tuy có nhiều sức hấp dẫn, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, làm sao để có thể thu hút ngày càng nhiều hơn các khoản đầu tư vào đổi mới sáng tạo tại Việt Nam?

Câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trước tiên đến từ sự kỳ vọng vào sự vào cuộc của các tập đoàn lớn của Việt Nam, để từ đó tạo sức lan tỏa, dẫn dắt “cuộc chơi” đổi mới sáng tạo Việt Nam. Và còn một khía cạnh vô cùng quan trọng, đó là thể chế, chính sách vượt trội.

Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) hiện đang được hoàn thiện, chờ Chính phủ phê duyệt. Nếu được phê duyệt, hàng loạt thể chế, chính sách vượt trội sẽ được áp dụng, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, mà trước mắt là trong khuôn khổ NIC.

Chẳng hạn, với NIC và Quỹ Hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia, sẽ được giao đất không thu tiền sử dụng đất trong tối đa 50 năm, được miễn toàn bộ chi phí liên quan đến đất; không phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án…

Trong khi đó, các ưu đãi và khuyến khích đối với doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động trong Trung tâm bao gồm được giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, được thực hiện các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ theo một cơ chế ưu tiên (fast-track)… Thậm chí, doanh nhân thành lập doanh nghiệp tại đây được giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng lần đầu cổ phần. Còn các doanh nghiệp ngoài được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, còn được miễn thuế nhập khẩu cho các hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)…

Các doanh nghiệp không phải ghi ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này cũng sẽ được nhận góp vốn, mua cổ phần của quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài khác, mà không bị giới hạn mức góp vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài…

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhiều lần bày tỏ kỳ vọng rằng, với các thể chế, chính sách ưu đãi, vượt trội này, thì “tiền sẽ về, nhân tài sẽ về” và đó là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự thành công của NIC. Việc xây dựng NIC sẽ góp phần quan trọng để tạo một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Và điều đó, sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để các hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam phát triển.

Bên cạnh đó, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Bộ đang tham mưu cho Chính phủ một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm, qua đó tạo một thị trường hấp dẫn cho các quỹ đầu tư hoạt động.

“Với những quy định pháp luật và chính sách thiết thực như vậy, chắc chắn các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ tìm thấy một môi trường kinh doanh thuận lợi, rõ ràng và ổn định tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Vinacapital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures với quy mô vốn 100 triệu USD. Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ, với mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Vingroup cũng công bố sẽ đầu tư 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ.

Ngoài các quỹ đầu tư lớn này, số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng, với hơn 40 quỹ hoạt động.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục